“Lễ vấn danh” là lễ nhà trai đến nhà gái để hỏi tên tuổi cô gái, ngày nay gọi là lễ “Chạm ngõ” hay là lễ “Dạm” (có nơi kiêm cả lễ dạm và hỏi cùng một lúc gọi là lễ dạm hỏi). Truyện Kiều có câu “Tiện đưa canh thiếp trước cầm làm ghi”. “Canh thiếp” là giấy ghi họ tên, tuổi, quê quán, con ai.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ở nhiều vùng nông thôn, con gái từ khi sinh đến khi lấy chồng vẫn chưa đặt tên, nếu như gia đình không cho con gái đi học. Con gái không cần vào sổ họ, sổ làng, không đi học nên cũng không cần dặt tên vội. ở trong nhà con gái mới sinh ra được gọi là con Hĩm, con Mực, con Chắt em…Trong nhà gọi tên gì thì xóm giềng gọi theo tên đó. Đến làm lễ vấn danh, ông bác hoặc bố mới đặt cho cái tên để ghi trong giấy hôn thú, có khi chính người mang tên cũng không biết mình mang tên gì trong giấy hôn thú, vì khi về nhà chồng lại gọi theo tên chồng, khi có con gọi theo tên con, có cháu đích tôn gọi theo tên cháu. Lễ vấn danh không phải để hỏi tên mà chủ yếu là hỏi tuổi, để hai họ quyết định đôi nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, tuổi xung khắc thì thôi.
Trong hôn nhân xưa chỉ chú trọng có môn đăng hộ đối hay không, có hợp tuổi hay không, gia đình nào thận trọng mới tìm hiểu kỹ “Công, dung, ngôn, hạnh” (thường là các gia đình gia giáo). Chẳng những các chàng trai, trước khi cưới chưa biết mặt vợ, mà có những ông bố chồng là người chủ động đi hỏi dâu cũng không biết mặt con dâu, do đó trong gia đình sau này mới xảy ra nhiều chuyện oái oăm:
-“Cảm ơn ông bà thương đến, tôi xin đồng ý gả, nhưng xin thưa chuyện trước: con tôi mồm mép chẳng bằng ai!”
Tưởng như vậy là mình tìm được con dâu hiền hậu, không đanh đá chua ngoa, ai ngờ cưới về mới biết con dâu sứt môi!. Nhưng đã nhỡ việc, biết tính sao?
Lại có trường hợp đánh tráo: Khi đi hỏi thì cho thằng em nhanh nhẹn và “sạch mặt” hơn đóng vai chàng rể, đến khi cưới thì lại cưới cho thằng anh đần độn, xấu xí. “Miếng trầu để dâu nhà người”, biết tính sao đây? Dầu sao cũng mang tiếng một đời chồng.