Xây dựng từ thế kỷ thứ 9 và đạt cực thịnh dưới triều vua Suryavarman II (1113 – 1150) vào nửa đầu thế kỷ 12. Đột nhiên mất tích trong bóng tối rừng già Đông Dương hơn 5 thế kỷ, đồng nghĩa với sự lãng quên của con người cho đến khi được tìm ra bởi những nhà thám hiểm người Pháp vào thế kỷ 19.
Nhưng liệu một nền kiến trúc kỳ vĩ, huy hoàng đến thế có thật bị lãng quên? Không! Người Khmer của nhiều thế kỷ sau vẫn biết có một kỳ quan di sản của dân tộc mình được rừng già vĩnh cửu giấu kín. Rừng già và bóng tối nhận lãnh sứ mạng che giấu chứ không phải Angkor bị mất tích. Đây là một luận điểm của Michael Freeman, một nhà nghiên cứu người Mỹ.
Angkor giờ đây đã phơi mình giữa ánh sáng của nền văn minh thế kỷ 21. Nó vẫn im lặng ra câu đố với nhân loại: Đá núi lấy từ đâu? Vận chuyển, xây dựng thế nào khi chưa có nền công nghệ hiện đại như hôm nay, tại sao nó vẫn sừng sững có mặt, vĩ đại và bí ẩn hệt như những nụ cười kỳ lạ trên những gương mặt Bayon…
Nhưng trong phạm vi nhỏ hẹp và tầm thường của người viết bài này, Angkor sẽ chỉ được ghi nhận bằng cảm quan du khách. Cái cảm quan một lần chiêm ngưỡng và chạm tay vào những phiến đá đã nghìn năm tuổi. Còn thấy những nụ cười, gương mặt băng qua bóng tối thời gian, nó đủ khơi gợi trí tưởng tượng về sự sống và cái chết, về khoảnh khắc vĩnh cửu…
Dưới bóng cây thần thánh
Khi được tìm ra sau năm thế kỷ, những cây cổ thụ nghìn tuổi đã tỏa những chiếc rễ khổng lồ chụp xuống những mái đền đá tảng từ lâu, sức mạnh mềm mại mà kinh hoàng của nó chẻ tường đá thành khe nứt, làm xiêu vẹo cả đền đài tưởng chừng thời gian chỉ có thể bào mòn mà thôi. Những cây cổ thụ, những chiếc rễ kỳ dị ấy đã nổi tiếng khắp thế giới ngay từ những bức ảnh chụp đầu tiên được công bố. Trong ánh nắng chiều xiên khoai, những chiếc rễ tỏa sáng như có hào quang, lấp lánh ánh bạc kim nhũ – một vẻ đẹp làm kinh ngạc du khách – Những “cổ thụ thần thánh” sáng lên trong vẻ thâm u hoang tàn của đền đài Ta Phrom ở quần thể Angkor. Một trong những ấn tượng kỳ bí và hùng vĩ biểu tượng sức mạnh thiên nhiên với mọi du khách khi chiêm ngưỡng.
Nụ cười trong bóng tối
Khó có thể đếm được bao nhiêu phù điêu chạm khắc hình tượng Apsara ở toàn bộ Angkor. Nghệ thuật điêu khắc ở đây đã đạt đến đỉnh điểm. Những nụ cười Bayon cũng đã nổi tiếng khắp thế giới. Những nét mũi, đường môi uốn mềm mại trên đá tảng. Nụ cười viên mãn hay hoan lạc, bí ẩn, khó hiểu như một thách đố tâm linh của thần thánh đối với con người. Trong đám rễ cây đã có nghìn năm tuổi, từng chôn vùi, trói chặt, giam giữ những tượng đá đứng đấy cũng đã nghìn năm, thỉnh thoảng lộ ra một gương mặt, một nụ cười sống động đến rợn người. Nụ cười ấy thách thức bóng tối nhiều thế kỷ cho đến ngày lộ ra ánh sáng như hôm nay – trong những bức ảnh hiếm thấy của nhà nhiếp ảnh Trần Việt Đức – anh vừa tìm ra trong chuyến đi này…
Vẻ đẹp hoang tàn…
Quần thể Angkor đang được Unesco trùng tu. Thiên nhiên, sự quên lãng đã tàn phá nó khá nặng nề. Nhưng trước những mái đền đã sụp đổ, những đống đá chồng chất phủ rêu xanh, người chiêm ngưỡng không khỏi ngậm ngùi… Bao nhiêu triều đại huy hoàng, bao nhiêu bước chân vua chúa, mỹ nữ từng đi qua đây… Nay chỉ còn chơ vơ sự hoang phế, tĩnh mịch. Mỗi du khách lặng lẽ len lỏi qua từng ô cửa đá, hành cung thăm thẳm bóng tối với sổ tay hay máy ảnh trong tay – mỗi người đều tưởng như một nhà khảo cổ, lần mò, đào bới tìm kiếm dấu vết thần thánh lẫn con người quá khứ. Cái cảm giác khó tìm ở đâu ngoài Angkor kỳ vĩ.