Bí ẩn về sự mất tích của Vương quốc Khazalle

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Khazalle là một Vương quốc phồn thịnh nằm bên bờ Sông Iquille và đầu nguồn Sông Gorgan. Quốc vương Joseph chiếm lĩnh khu vực châu thổ, chắn giữ cửa ngõ tấn công vào người Nga. Rất nhiều bộ tộc đến đây sinh sống và cống nạp cho triều đình Joseph.

Trong ba thành phố bên Sông Iquille có một thành phố là quê hương của quốc vương và hoàng hậu Joseph; một thành phố là nơi cư trú của người theo đạo Do Thái, Cơ Đốc và người Tây Ban Nha và thành phố thứ ba do quốc vương Joseph thống lĩnh. Thành trì ở đây có kết cấu hình bầu dục, là nơi ở của các đại thần, nô lệ và thần dân của quốc vương. Ở vương quốc Khazalle, người ta không gặp những trận mưa lớn nhưng gặp một hệ thống sông hồ ngang dọc, đi đâu cũng nhìn thấy đất đai màu mỡ phì nhiêu, sản vật phong phú, những cánh đồng bao la với các vườn nho, vườn hoa xanh ngút ngàn.

Cho đến nay, những dẫn chứng trên là tư liệu lịch sử duy nhất được phát hiện do chính người Khazalle tự nói về đất nước mình. Các tài liệu khác đều là thư của quốc vương Joseph viết cho một đại thần người Ả Rập tên là Hassan Sufourt.

Các nhà nghiên cứu lịch sử luôn hoài nghi về tính chân thực của bức thư này. Đến thế Kỷ XX họ mới tìm được lá thư của Hassan Sufourt gửi tại Cairo – Ai Cập. Vị đại thần này giữ chức Vương công tại Tây Ban Nha vào Thế kỷ X. Trong bức thư, Hassan đề nghị Hoàng đế Bizantine cấp cho ông ta một chiếc thuyền để đến Khazalle. Lúc đó Bizantine đang giao chiến với Khazalle. Có người ở thành Koustantin – Thủ đô của Bizantine đã viết thư trả lời Hassan rằng, từ thành Koustantin đến vương quốc Khazalle phải mất khoảng 15 ngày đường, đi theo đường bộ phải đi qua nhiều quốc gia. Lá thư của người đó còn thông báo cho ông ta biết tên của quốc vương Khazalle là Joseph. Nhận được thư rất có thể Hassan đã viết thư cho Quốc vương Joseph để hỏi vị trí của vương quốc Khazalle. Và quốc vương Joseph đã viết một bức thư ngắn gửi cho Hassan giới thiệu vị trí và tình hình của vương quốc. Đây cũng là tư liệu tham khảo quan trọng để các nhà sử học nghiên cứu chính xác về vương quốc Khazalle.

Ngoài ra, trong tư liệu văn hiến của nước Nga, Bizantine, Armenia đã nói rõ vương quốc Khazalle từng là một vương quốc hùng mạnh giàu có, thành trì được phòng thủ kiên cố và có những công trình kiến trúc lớn. Đất nước này, khí hậu ôn hòa mát mẻ. Lực lượng quân sự của Khazalle tương đối hùng mạnh, họ có một đội quân rất hùng hậu từng xâm lược lãnh thổ của người Armenia. Người Gruzia nói quốc vương Joseph vì không lấy được Công chúa của đại công quốc Gruzia làm vợ bèn dùng sức mạnh quân sự phá hủy Thành Tbilisi. Biên niên sử của người Ả Rập nói, các dân tộc từ sông Donau đến mạn Bắc sông Ural đều phải tiến cống cho vương quốc Khazalle. Người Ả Rập cũng phải công nhận vương quốc Khazalle là nơi án ngữ con đường thông thương buôn bán chính giữa vương quốc Bizantine với Trung Quốc. Người Nga đã từng giao chiến với người Khazalle, năm 965, hai bên đã có một cuộc chiến tranh khốc liệt, cuối cùng người Nga đã chiếm được thủ đô Iquille của người Khazalle. Rồi từ vùng châu thổ sông Volga người Nga men theo hồ Caspian đánh thẳng xuống thành Siedlce của vương quốc Khazalle.

Vương quốc Khazalle là một nước lớn, từng xưng bá một phương, từng tồn tại cách đây hơn 1000 năm. Nhưng cho đến nay, gần như không có tài liệu để tham khảo nên các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn chưa tìm ra nó nằm ở vị trí nào. Con sông Gorgan mà quốc vương Joseph đề cập trong thư ở đâu? Có phải đó là một nhánh của sông Volga, hay một con sông nào khác nữa? “Khu vực châu thổ” mà quốc vương Joseph viết trong thư là để chỉ nơi nào? Trong thư quốc vương còn nói, thần dân của ông “nhiều như cát”. Vậy thần dân của quốc vương có bao nhiêu người? Do không có tư liệu ghi chép về vương quốc Khazalle nên các nhà nghiên cứu không thể tiến hành khảo sát để tìm di chỉ. Sự mất tích của vương quốc Khazalle luôn ám ảnh các nhà nghiên cứu sử ngày nay.

Một vài học giả dự đoán, vương quốc Khazalle đã bị hồ Caspian nuốt chứng. Vào thế kỷ VII, vương quốc Khazalle có nhiều cánh đồng phì nhiêu màu mỡ. Vương quốc Khazalle khống chế đường thủy trên sông Volga và trở thành chủ nhân của vùng châu thổ sông Volga. Nhưng cũng từ hồ Caspian bắt đầu lần dần ra bờ biển. Năm này qua năm khác, hồ Caspian vô tình nuốt chửng những cánh đồng, những vườn cây, thôn làng của người Khazalle. Đến thế kỷ XIX, các thành trì của vương quốc Khazalle cuối cùng cũng bị hồ Caspian nuốt chửng. Rất nhiều tư liệu đã cung cấp những chứng cứ đáng tin cậy về việc vương quốc Khazalle bị nhấn chìm bởi hồ Caspian.

Tuy nhiên, lời giải thích này vẫn chưa thể thuyết phục mọi người. Nếu nói vương quốc Khazalle bị hồ Caspian nhấn chìm theo năm tháng thì những cư dân của vương quốc này có rất nhiều thời gian để chuyển đến nơi khác. Vậy thì họ đã chuyển đến đâu? Hậu duệ của họ hiện sống ở nơi nào? Ngoài ra, Khazalle là một vương quốc giàu có, đất rộng người đông, nếu bị nhấn chìm thì trên thềm lục địa phải để lại di chỉ và tàn dư của sự đổ nát. Tuy nhiên, hiện nay người ta vẫn chưa phát hiện được một vết tích nào của vương quốc này.

Biên niên sử của Bizantine cho biết, vùng Sakiel của Khazalle nằm bên dòng sông Don, trên con đường chính đến Iquilla, đã từng bị Đại công quốc Kifev Svuilatosarap phá hủy. Giáo sư khảo cổ học người Liên Xô (cũ) – Artamop đã tiến hành khảo sát lại một lần nữa. Cuối cùng ông đã tìm ra vị trí của Shakiel và khai quật. Đáng tiếc là Artamop đã không phát hiện được bất cứ văn vật nào của người Khazalle. Artamop buồn bã nói: “Cho đến nay chúng ta vẫn không hề biết gì về người Khazalle”. Lịch sử về vương quốc Khazalle đã bị cuốn mất như một áng mây khiến chúng ta không tài nào phán đoán được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ