Hơn 400 năm, kể từ khi các nhà hàng hải Tây ban Nha phát hiện ra sông Amazon nằm trên đại lục Nam Mỹ, con sông lớn cuồn cuộn sóng trào cả một vùng 2,8 triệu cây số vuông rừng rậm bao phủ quanh nó, dung mạo biến hóa khôn lường của nó và những truyền thuyết kỳ lạ quanh nó đã thu hút biết bao nhà thám hiểm trên thế giới tìm đế để du lịch, nghiên cứu săn tìm… Nhưng thứ mà các nhà thám hiểm chú ý đến nhất là kho báu của người Inca trong vùng rừng rậm Amazon.
Người Inca là một nhánh của người Anh Điêng Nam Mỹ. Giữa thế kỷ 15, người Inca dần dần hùng mạnh, xây dựng được một đế quốc số một ở Nam Mỹ, với trung tâm là nước Pêru ngày nay, và nó trải rộng trên một diện tích tới 800.000km2. Tại thủ đô Cuxơkô của nó có đền thờ thần mặt trời hùng vĩ được trang trí bằng vàng ngọc châu báu, có “Công viên hoàng kim” lộng lẫy huy hoàng… Trong truyền thuyết của người Anh Điêng, đế quốc Inca là một đất nước vàng.
Năm 1511, khi nhà thám hiểm Tây Ban Nha là BanVôya đang sung sướng vì mới kiếm được từ người Anh Điêng một số vàng kha khá, thì một vị tù trưởng đứng tuổi bước tới mặt nói:
“Đây chính là những thứ khiến các ông phải rời bỏ quê hương, chấp nhận cả sự nguy hiểm đến tính mạng để mong kiếm được nó ư? Tôi có thể bảo với các ông, có một đất nước, dân chúng đã dùng vàng để làm ra những đồ dùng hàng ngày như dụng cụ ăn uống… ở nơi ấy, chỗ nào cũng đầy vàng”.
Vị tù trưởng chỉ tay về phía xa xa, và BanVôya nhận ra đó là vùng rừng rậm Amazon. Để tìm kiếm đất nước như huyền thoại ấy, đế quốc Inca, những người Tây ban Nha tham lam, hết lớp này đến lớp khác mạo hiểm mò mẫm trong rừng rậm Amazon; nhưng chỉ có rắn độc và thú dữ nơi rừng hoang nhiệt đới rình rập họ, thỉnh thoảng tấn công ám hại họ. Rồi có cả bộ lạc ăn thịt người hoang dã rình rập tập kích họ. Nơi rừng rậm âm u hoang dã này, mười bước đi là tràn đầy nguy hiểm chết chóc. Khi những người thực dân Tây Ban Nha thèm thuồng nhưng đã chán nản vì sợ hãi, thì một cuộc nội chiến tàn khốc trong lòng đế quốc Inca đã đem đến cho họ cơ hội may mắn.
Biết được tin đó, tháng 09 năm 1532, Pisarô – trùm thực dân Tây Ban Nha đã chỉ huy hơn 160 binh sĩ vượt qua dãy núi Anđêxơ vách núi dựng đứng, cao 3.500m so với mực nước biển, tiến vào đất nước mà những người Châu u chưa bao giờ tới trước đó. Không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào. Pisarô xảo quệt đặt bẫy phục kích bắt sống vua Ataonphan của người Inca, sau đó bắt ép ông ta phải dùng nhiều vàng để chuộc mạng, bắt người Inca phải đem số vàng bạc chất đầy vào nhà ở của Ataonphan. Để chuộc cho được nhà vua của mình về, những người Inca ngày đêm không nghỉ vận chuyển vàng bạc từ khắp nơi đổ về Casamanca. Số lượng vàng mà người Inca phải giao nộp đã lên tới 13.265 cân Anh (1 cân Anh = 0,545kg -ND), còn số bạc trắng là 26.000 cân Anh.
Thu được một lượng vàng bạc lớn chưa từng có như vậy khiến cho bọn thực dân Tây Ban Nha sướng điên người. Chỉ cần một quân đội nhỏ mà lại được những khoản chiến lợi phẩm khổng lồ, có thể nói là trong lịch sử thế giới chưa bao giờ có. Tuy đã bắt chẹt đủ số vàng bạc, song Pisarô vẫn bội tín, quyết định giết hại vị vua “Vua Mặt Trời” cuối cùng của người Inca.
Khia Ataonphan bước lên giá treo cổ, ông đã phát ra lời nguyền với những người Inca đời đời sùng bái Thần Mặt Trời, với rừng rậm Amazon, với cả những tên đao phủ. Đó là những lời nguyền đáng sợ. Và quả nhiên, lời nguyền đã ứng nghiệm. Những tên cướp tham lam tay nhúng đầy máu tanh, mình đầy tội ác đó cuối cùng cũng phải chịu một kết cục đáng đời đối với chúng. Khối lượng vàng khổng lồ mà chúng cướp được của người Anh Điêng ăn chia không thỏa mãn dẫn đến xung đột tranh giành. Trong nội bộ bọn xâm lược đã diễn ra một cuộc xung đột dã man kéo dài đến mấy năm. Kết quả, dường như tất cả các thủ lĩnh kể cả 4 anh em nhà Pisarô, Anmacarô… và bọn đồng bọn đều bị giết chết hoặc cầm tù. Còn số vàng khổng lồ mà người Inca bị bắt chẹt phải giao nộp, cuối cùng cũng không biết đi đâu.
Về số phận của khối vàng bạc khổng lồ mà Pisarô bắt chẹt được đó, có người cho rằng lúc đó Pisarô chưa thể đưa đi được, mà nó bị người Inca cướp lại cùng với thi thể của vị vua Ataonphan, rồi đem cất giấu. Nơi cất giấu có thể là trong núi Riancanađi của Ecuađo. Thời kỳ thực dân dã man đã đi qua, nhưng những cuộc săn tìm kho báu khổng lồ của vương quốc Inca thì vẫn tiếp tục. Rất nhiều người săn tìm kho báu đã mạo hiểm cả tính mạng mình đưa vào nơi nguy hiểm ở vùng Riancanađi để săn tìm nơi cất giấu kho báu đó. Nhưng trong vùng đầm lầy và rừng cây rậm rạp, nơi mà rắn độc và thú hoang hoành hành thuộc lưu vực sông Amazon bao la đó, rất nhiều kẻ săn tìm kho báu có đi mà không có về.
Năm 1989, một đội thám hiểm dưới sự lãnh đạo của Đanien Xơha người Pháp phối hợp cùng với nhà nhân loại học HanGômaixơ người Tây Ban Nha lại một lần nữa tiến vào vùng rừng rậm Amazon. Nhưng họ đã không tìm thấy được kho báu mà người Inca cất giấu một cách bí ẩn đó.
Trong vùng rừng rậm Amazon, còn có một kho báu của người Inca khác nữa được người đời quan tâm, đó là “Hồ vàng Inca” trong truyền thuyết. Theo tục cổ truyền, các vua người Inca làm lễ đăng quang đều chọn địa điểm bên bờ hồ để tổ chức nghi lễ. Người được kế thừa vương vị, đầu tiên phải dùng vàng bôi lên khắp người. Quốc vương mới lấp lánh ánh vàng sáng chói mắt, tỏa hào quang chứng tỏ là con của Mặt Trời. Tiếp đó, vị vua mới xuống hồ tắm rửa hết bụi vàng trên người, các thần dân tới tấp hiến vàng bạc châu báu và những thứ quý giá nhất của mình trước chân của nhà vua. Nha vua lại đem tất cả những thứ đó ném hết xuống hồ, hiến tế cho Thần Mặt Trời chí tôn… Cứ thế, từ đời này qua đời khác, trong hồ chứa chất bao nhiêu là vàng bạc, châu báu.
Từ thế kỷ 16, sau khi người Tây Ban Nha chinh phục đế quốc Inca, việc tìm kiếm và trục vớt vàng bạc châu báu trong hồ đã được tiến hành liên tục chưa bao giờ ngắt quãng. Cuối cùng, người ta xác định rằng, hồ Quađaviđa của Côlômbia ngày nay chính là “hồ vàng” trong truyền thuyết.
Năm 1545, một đội thám hiểm Tây Ban Nha đã vớt được mấy trăm món đồ bằng vàng nơi nước hồ tương đối nông. Điều đó đã chứng minh tính xác thực của truyền thuyết “hồ vàng” và cũng thêm phần hấp dẫn đối với những người săn tìm báu vật. Nhưng việc mò tìm, trục vớt ở chỗ nước sâu trong hồ thì vẫn chưa bao giờ thành công. Năm 1911, một công ty của Anh quốc định cho bơm cạn nước hồ để tìm báu vật, nhưng kết quả vẫn là con số không. Năm 1974, để bảo đảm cho kho báu dưới hồ không lọt vào tay người nước ngoài, chính phủ Côlômbia lệnh cấm mọi hoạt động mò tìm và trục vớt trong hồ, đồng thời đưa quân đội đến canh giữ hồ đó. Kho báu hồ vàng bí ẩn trở thành một bí mật không thể tiếp cận được nữa.
Kho báu trong truyền thuyết người Inca không phải chỉ có hai nơi trên, đứng trước rừng rậm Amazon bao la và đáng sợ, các nhà thám hiểm và những người săn tìm cũng không tránh khỏi sự e ngại và cũng đành chịu, không làm gì được, chỉ còn nhìn rừng mà thở dài. Phải chăng đúng như lời của người dân bản xứ nói: Trên những báu vật cổ xưa đó có mang theo linh hồn của các vua Inca đã chết. Các linh hồn đó đang cư trú trong rừng rậm, canh giữ chặt chẽ kho báu của họ, không để người đời tìm thấy mà lấy đi? Người ta vẫn mong chờ một ngày nào đó có thể tìm ra được bí mật về những kho báu của người Inca.