Bóng đèn dây tóc, chỉ cần thông điện là chiếu sáng ngay, còn trước khi đèn ống bật sáng, thường thường có thể nhìn thấy cái tắc te chớp nháy vài lần. Đó là vì sao vậy?
Hiện tượng đó phải giải thích từ nguyên lí phát sáng của đèn ống. Bên trong ống đèn của đèn ống có nạp một ít thuỷ ngân và khí acgon, hai đầu ống có lắp điện cực. Các electron từ âm cực phóng ra, va chạm với các phân tử khí acgon trong ống, có thể sinh ra càng nhiều electron. Những electron này kích phát hơn nữa khi thuỷ ngân phóng điện, bức xạ ra tia tử ngoại không nhìn thấy. Khi tia tử ngoại chiếu vào chất huỳnh quang phết lên vách trong của ống đèn, liền phát ra ánh sáng nhìn thấy. Nhưng muốn cho âm cực phóng xạ ra electron, và để cho electron phóng xạ ra có năng lượng đầy đủ, cùng phân tử khí acgon va chạm làm bật ra càng nhiều electron thì cần phải đặt lên hai cực ống đèn một điện áp rất cao. Điện áp 220 vôn thông dụng không sao cung cấp đủ năng lượng cần thiết để electron va chạm. Vì vậy, bật sáng đèn ống cần có một điện áp khởi động cao hơn 220 vôn rất nhiều. Điện áp khởi động ấy do cái tắc te và cái chấn lưu phối hợp chặt chẽ sinh ra.
Sau khi đèn ống nối thông với nguồn điện, trong ống đèn chưa sinh ra hiện tượng phóng điện, mà lại là giữa hai tấm lưỡng kim trong ống nê ông của tắc te xảy ra sự phóng điện phát sáng, phát ra ánh sáng màu đỏ. Nhiệt lượng sinh ra bởi phóng điện phát sáng làm cho nhiệt độ của tấm lưỡng kim trong tắc te lên cao. Thế là độ cong của đầu co duỗi sinh ra biến đổi. Khi nó chạm vào đầu cố định, sự phóng điện phát sáng ngừng lại, và tắc te không sáng nữa.
Do sự ngừng lại của phóng điện phát sáng, đầu co duỗi dần dần nguội đi, rồi khôi phục về hình dạng ban đầu. Khi nó tách khỏi đầu cố định, mạch điện bị ngắt ra, cắt đứt dòng điện. Trong khoảnh khắc dòng điện bị cắt, trên cái chấn lưu cảm ứng ra điện áp rất cao, có thể đạt tới 1000 vôn. Nó cùng với điện áp nguồn nhập lại đặt lên hai đầu điện cực của ống đèn. Thế là đèn ống bật sáng.
Nếu quá trình kể trên xảy ra một lần mà không thể bật sáng đèn ống, ống nê ông trong tắc te sẽ sáng trở lại rồi lại tắt, rồi lại sáng trở lại… Cứ lặp đi lặp lại như thế vài lần, chúng ta nhìn thấy cái tắc te liên tục chớp nháy cho đến khi đèn ống sáng lên mới thôi. Sau khi đèn ống sáng hẳn, dòng điện tăng lên rất nhanh, cái chấn lưu liền có tác dụng hạn chế dòng điện vào trong phạm vi quy định. Đồng thời thuỷ ngân trong ống đèn bốc hơi, điện trở giữa hai đầu điện cực giảm nhỏ đi rất nhiều, vì vậy điện áp hai đầu cũng thấp xuống. Thế là cái tắc te không còn sinh ra sự phóng điện phát sáng và cũng không còn sáng lên nữa.
Nếu điện áp nguồn hơi thấp, hoặc thời tiết mùa đông giá rét, đèn ống sẽ khó bật sáng, cái tắc te càng phải chớp sáng nhiều lần hơn. Nếu điện áp quá thấp, hoặc đèn quá cũ thì không có cách gì làm cho đèn ống bật sáng được.