Phát thanh của điện đài sóng ngắn phát ra, phần nhiều đến từ nước ngoài xứ lạ. Song, rađiô nói chung thông thường chỉ có một hai băng sóng ngắn, đài phát thanh sóng ngắn có thể thu được chỉ đếm đầu ngón tay, vậy mà lại hay “chen lấn” nhau, xuất hiện bắt nhầm đài, tiếng nói lúc to lúc nhỏ, rất không ổn định. Nói theo thuật ngữ vô tuyến điện, loại rađiô đó có độ nhạy thấp, tính lọc lựa kém, băng thu cũng khá hẹp.
Trên quốc tế quy định, phạm vi tần số sóng ngắn dành cho phát thanh trong dải tần số vô tuyến điện là 2,3 ~ 26,1 megahec (MHz). Các đài phát thanh của các nước trên thế giới đều có thể phát ra phát thanh sóng ngắn ở trong phạm vi của đoạn tần số đó. Nếu rađiô có đủ độ nhạy và tính lọc lựa tốt thì có thể thu được các tiết mục phát thanh của các đài sóng ngắn của các nước trên thế giới.
Nhưng, băng sóng ngắn thứ nhất (SW 1) của rađiô nói chung là 4 ~ 9 MHz, băng sóng ngắn thứ hai (SW 2) là khoảng 9 – 18 MHz, băng thu tổng thể ở trong 4 ~ 18 MHz, chỉ chiếm có một phần của cả đoạn phát thanh sóng ngắn, vậy là có nhiều đài sóng ngắn bị gạt ra rìa.
Trong băng thu sóng ngắn của rađiô, độ nhạy thu sóng không đồng đều. Ở phần quá cao và quá thấp của băng thu, độ nhạy thu sóng đều tương đối thấp. Còn ở phần giữa của băng thu sóng thì độ nhạy đó tương đối cao.
Đối với rađiô nói chung, phạm vi tần số của băng sóng ngắn tương đối rộng. Ví dụ băng SW 1 rộng tới 5 MHz. Trong phạm vi băng thu rộng như vậy, độ nhạy thu sóng cao cao thấp thấp, rất không đồng đều. Như vậy thì không thể nào thực hiện được sự “đối xử như nhau” với mọi đài phát thanh sóng ngắn. Có đài có tần số vừa khéo ở trong phạm vi độ nhạy thu sóng tương đối cao, đài đó sẽ dễ được thu sóng. Còn những đài mà tần số lại ở vào chỗ độ nhạy thu sóng của rađiô tương đối thấp, muốn thu được phải khá vất vả.
Vả lại, sóng vô tuyến điện mà mỗi đài phát thanh sóng ngắn phát ra đều có phạm vi tần số nhất định, nó chỉ chiếm một độ rộng nhất định trên băng thu sóng ngắn của rađiô. Khi rađiô có tính lọc lựa tốt thu nghe, dễ dàng chỉnh bắt được sóng của đài phát, còn rađiô có tính lọc lựa kém thì thường là bên cạnh một đài phát còn có một đài phát khác kề sát vào, vài đài phát chen lấn vào một chỗ, vất vả lắm mới chỉnh bắt được sóng của một đài phát, hơi nhích núm vặn tìm sóng một chút là đài phát đang nghe liền “biến” mất.
Nếu có thể mở rộng băng sóng ngắn của rađiô bao quát hết cả phạm vi tần số của đoạn phát thanh sóng ngắn, thế thì có khả năng thu được tất cả các đài phát thanh sóng ngắn trong đoạn đó. Chia nhỏ đoạn thu thanh sóng ngắn ra thành vài phân đoạn, áp dụng biện pháp “chia để trị” đối với những phân đoạn này, lần lượt tiến hành xử lí kĩ thuật, làm cho trong mỗi phân đoạn đều có độ nhạy đồng đều và đầy đủ. Như vậy, khi thu đài phát thanh sóng ngắn liền có thể thực hiện được sự “đối xử như nhau” với mọi đài phát thanh sóng ngắn. Hơn nữa, trong mọi phân đoạn, rađiô có thể có tính lọc lựa tốt. Hiện nay, có loại rađiô đã có tám, chín băng (phân đoạn) sóng ngắn, có loại thậm chí nhiều tới 20 ~ 30 băng sóng ngắn.