“Chúng ta thấy trong điện ảnh và trên truyền hình có cảnh những người ở một số địa phương hay thích đội vật nặng như vò nước, cái sọt… lên đầu, chứ không thích tay xách, vai mang. Làm như vậy có nguy hiểm lắm không? Chẳng nhẽ trong đó có quy luật khoa học gì sao?
Nếu chúng ta phân tích kĩ một tí thì sẽ nhận thấy, đội vật nặng lên đầu khi bước đi quả thực đỡ mất sức hơn là xách tay hoặc vác trên vai, và có phần khoa học hơn.
Khi đi bộ con người phải tiêu tốn năng lượng. Năng lượng bị tiêu tốn càng nhiều, con người cảm thấy càng vất vả; năng lượng tiêu tốn càng ít, con người cảm thấy càng dễ chịu. Khi đi trên đường, năng lượng tiêu tốn chủ yếu dùng ở hai mặt: một là khắc phục ma sát giữa các bộ phận hoạt động của cơ thể; hai là dùng vào việc sinh ra công để khắc phục trọng lực. Đi trên đường bằng phẳng mà cũng phải sinh ra công khắc phục trọng lực sao? Đúng thế, vì trọng tâm của cơ thể theo bước đi của người mà di động lên xuống. Khi dùng tay nhấc vật nặng, trọng tâm của vật nặng cũng theo đó mà di động lên xuống, và độ cao di động hầu như giống với độ cao di động lên xuống của trọng tâm cơ thể người. Khi trọng tâm nâng lên phải khắc phục trọng lực sinh ra công; còn khi trọng tâm hạ xuống, phần năng lượng đó lại bị chuyển hoá thành năng lượng âm thanh và nhiệt năng sinh ra khi chân chạm lên mặt đất. Vì vậy, người xách vật nặng khi bước đi thì phải tiêu hao một phần năng lượng để khắc phục trọng lực của người và vật nặng mà sinh ra công. Nếu đặt vật nặng lên trên đầu, do cột sống của con người có tính đàn hồi, vật nặng như đè lên cái lò xo, khi người bước đi, sự nhấp nhô của vật nặng tương đối nhỏ, công sinh ra để khắc phục trọng lực của vật nặng nhỏ đi, năng lượng tiêu hao của người cũng giảm nhỏ tương ứng. Vì vậy, người sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Người ta đã làm một thực nghiệm thú vị, lần lượt đo thử lượng tiêu hao oxi của việc đi đường có xách vật nặng trên tay. Kết quả là: khi xách vật nặng trên tay, lượng tiêu hao oxi lớn hơn nhiều so với khi đội vật nặng. Lượng tiêu hao oxi càng nhiều, chứng tỏ năng lượng tiêu hao của cơ thể người cũng càng nhiều. Do đó đội vật nặng lên đầu là có căn cứ khoa học.
Nếu trải qua một thời gian luyện tập, bạn cũng có thể đội được vật nặng lên đầu một cách vững vàng, lúc bước đi bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái.”