Thoạt nghĩ, nước lửa không chịu nhau, băng mà gặp lửa là tan chảy ra, dùng băng để lấy lửa quả là chuyện nghìn lẻ một đêm. Song nếu bạn nắm được một ít nguyên lí quang học thì sẽ hiểu, dùng băng chế tác thành thấu kính băng thì hoàn toàn có thể dùng nó để lấy lửa.
Jules Verne, trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của mình “Miền băng giá hoang vu”, đã từng miêu tả một cách xuất sắc ý tưởng chế tác ra thấu kính băng. Một cuộc phiến loạn đã ném thuyền trưởng của đoàn thám hiểm Bắc Cực và những người theo ông lên một miền băng giá mênh mông xa tắp, bên mình họ chỉ có một con thuyền hỏng nát. Họ mang từ dưới thuyền lên một ít củi và thực phẩm, rồi dùng đá lửa và liềm đánh lửa còn sót lại nhóm một ngọn lửa trên băng. Chính trong khi họ săn đuổi một con gấu Bắc Cực thì lửa bị tắt ngấm, đá lửa và cái liềm cũng không tìm thấy đâu cả. Trên miền băng giá, không có lửa cũng có nghĩa là sẽ bị chết cóng, chết đói.
Làm thế nào bây giờ? Thuyền trưởng tuyệt vọng ngẩng nhìn trời xanh. Ánh Mặt Trời mới đẹp làm sao. Nếu có được một kính lúp thì hay biết mấy. Dùng kính lúp có thể hội tụ tia sáng vào tiêu điểm để lấy lửa. Nhưng ở đây toàn băng là băng, tìm đâu ra kính lúp đây. Đúng rồi, dùng băng vậy, dùng băng để chế tác ra thấu kính băng.
Họ chọn ra một cục băng tinh khiết có đường kính khoảng 30 cm. Trước hết họ dùng rìu nhỏ đẽo thành hình, rồi dùng dao con gọt trơn tru, sau cùng lấy tay miết bề mặt của nó một cách cẩn thận cho đến bóng loáng lên. Cuối cùng, một miếng thấu kính băng trong suốt óng ánh như pha lê đã được làm xong.
Có thấu kính băng rồi, dùng nó để lấy lửa không phải là chuyện khó khăn gì cả. Chỉ cần đặt thấu kính băng hướng về Mặt Trời, để cho tia sáng đi qua nó và hội tụ lên tiêu điểm. Để một ít chất dễ cháy như giấy, dăm bào v.v. vào chỗ tiêu điểm, một lúc sau, những tia sáng đi qua thấu kính băng hội tụ tại tiêu điểm liền có thể đốt cháy chúng.