Phép chụp ảnh giao thoa laze còn gọi là phép toàn kí, là một loại kĩ thuật chụp ảnh mới mẻ, nhanh chóng phát triển trong 40 năm qua. Loại kĩ thuật này so với kĩ thuật chụp ảnh thông thường, về mặt nguyên lí có sự khác biệt căn bản. Kĩ thuật chụp ảnh thông thường lợi dụng nguyên lí hình thành ảnh của thấu kính lồi, ghi lại cường độ sóng ánh sáng phản xạ của vật thể được chụp ảnh lên phim. Vì vậy tấm ảnh mà chúng ta trông thấy là một tờ tranh ảnh mặt phẳng. Còn chụp ảnh giao thoa laze lại hoàn toàn khác. Chẳng những nó ghi được cường độ ánh sáng phản xạ của vật thể chụp ảnh, mà còn ghi được toàn bộ thông tin trong sóng ánh sáng phản xạ, và có thể bày một tờ tranh ảnh lập thể ba chiều trước mắt người xem, thông qua phương pháp đặc thù. Thế thì phép chụp ảnh giao thoa laze rốt cuộc là gì?
Phép chụp ảnh này gắn chặt với laze. Trong hình vẽ dưới đây là sơ đồ bố trí của phép chụp ảnh giao thoa laze.
Một chùm tia laze qua thiết bị phân chùm chia thành hai chùm. Một chùm sau khi phản xạ qua mặt kính chiếu lên phim, gọi là chùm tia sáng tham khảo; còn một chùm kia sau khi phản xạ qua vật thể được chụp rồi chiếu lên phim, gọi là chùm tia sáng của vật thể. Hai chùm tia sáng hình thành hoa văn giao thoa trên phim. Phim cảm quang như thế ấy là tấm ảnh giao thoa laze. Mắt người nhìn trực tiếp vào ảnh loại này chỉ có thể trông thấy những hoa văn giao thoa giống như vân tay vậy. Song nếu dùng laze chiếu rọi nó, mắt người xuyên qua phim có thể trông thấy đối tượng được chụp ảnh lúc đầu. Hình ảnh của bức ảnh giao thoa laze cực kì giống, cảm giác lập thể mạnh.
Kĩ thuật chụp ảnh giao thoa laze do nhà khoa học D. Gabor, trong khi tiến hành nghiên cứu kính hiển vi điện tử thuộc một công ti của Anh, phát minh ra. Vì thế, năm 1971, ông nhận được giải Nobel về vật lí.
Nếu xé tan một tấm ảnh giao thoa laze, bất kì một miếng vụn nào trong đó cũng có thể hiện lại ảnh lập thể của toàn bộ cảnh vật. Lượng thông tin của phép chụp ảnh giao thoa laze lớn hơn rất nhiều so với phép chụp ảnh thông thường. Chỉ cần mỗi khi lộ sáng, thay đổi một chút độ góc của phim chụp ảnh là có thể đồng thời ghi lại nhiều hình ảnh trên cùng một tấm phim. Lợi dụng đặc điểm này, toàn bộ sách Mười vạn câu hỏi vì sao cũng có thể được chụp lên cùng một tấm phim.
Phép chụp ảnh giao thoa laze được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học kĩ thuật. Lợi dụng kính hiển vi giao thoa laze, có thể chụp ảnh trực tiếp các sinh vật sống, nghiên cứu sóng xung kích khi khí cụ bay đang bay. Kĩ thuật chụp ảnh giao thoa laze cầu vồng, dưới sự chiếu sáng của ánh Mặt Trời, còn có thể tái hiện hình ảnh lập thể của vật thể được chụp.
Kĩ thuật giao thoa laze ép khuôn được phát triển trong những năm 70 của thế kỉ XX. Nó đã giải quyết một cách thành công vấn đề sản xuất đại trà của ảnh giao thoa laze. Hình ảnh giao thoa laze ép khuôn được sử dụng rộng rãi để làm ra các quảng cáo hàng hoá, trang trí danh thiếp, thẻ tín dụng, phong bì có tem, thiếp mừng ngày lễ và quà tặng v.v. Tác dụng chống làm giả nhãn mác hàng hoá của giao thoa ép khuôn càng trở thành “lá bùa hộ mệnh” của những sản phẩm nổi tiếng.