Nếu chỗ không nên có điện mà lại xảy ra hiện tượng có điện tức là rò điện. Vì sao lại rò điện nhỉ? Nguyên nhân thì rất nhiều, song chủ yếu xảy ra trên mạch tải điện. Ví dụ, cây cối ven đường mọc cao lên, xuyên qua dây điện, dây điện cùng cành cây không ngừng cọ xát, làm rách lớp cách điện bọc ở ngoài, dây dẫn liền tiếp xúc với cành lá. Gặp lúc trời mưa, cành cây ẩm ướt cũng có thể dẫn điện, thế là xảy ra rò điện. Hoặc như đường điện trong nhà dùng lâu ngày, lớp cách điện bị cứng giòn nứt toác, chỗ vốn là cách điện không còn cách điện nữa, sẽ dẫn điện cục bộ. Đó cũng có thể xảy ra rò điện.
Rò điện chẳng những tiêu hao điện năng một cách vô ích, tạo thành lãng phí, mà còn gây nguy hại cho con người. Chỗ bị rò điện, do dòng điện bị rò không ngừng sinh ra nhiệt lượng, nếu nhiệt lượng đó không được phát tán ra kịp thời, nhiệt độ chỗ ấy sẽ ngày càng cao. Nhiệt độ lên cao đến mức nhất định liền có thể đốt cháy lớp cao su cách điện và những chất cháy được ở xung quanh dây dẫn như gỗ v.v., gây nên hoả hoạn. Dòng điện bị rò càng lớn, nhiệt lượng sinh ra càng nhiều, vì vậy cũng càng nguy hiểm.
Rò điện còn có thể trực tiếp gây thương tổn cho cơ thể người. Nếu cơ thể chạm phải dòng điện bị rò, trong trường hợp dòng diện nhỏ thì có thể chỉ làm cho người cảm thấy tê tê; khi dòng điện lớn, sẽ làm cho người cảm thấy bị điện giật mạnh; dòng điện lớn hơn nữa, người có thể bị “hút dính”, không sao tự mình giẫy khỏi dòng điện, sự an toàn tính mạng bị đe doạ. Nếu gặp phải tình hình này, trước hết phải cắt đứt nguồn điện, rồi tìm cách cứu chữa người bị điện giật.
Để phòng ngừa rò điện, ngoài việc thường xuyên kiểm tra đường dây ra, còn phải chú ý: phải kịp thời thay dây cắm ổ điện của đồ dùng điện khi thấy nó đã bị mài mòn, không nên để dây điện đi qua dưới tấm thảm vì thường xuyên có người giẫm chân qua lại sẽ mài mỏng lớp cách điện của nó, đồ dùng điện sử dụng xong phải kịp thời cắt nguồn điện v.v.