“Cái cặp nhiệt độ thuỷ ngân thường dùng được chế tạo dựa vào nguyên lí nóng nở, lạnh co của thuỷ ngân. Các nhiệt kế dùng để đo nhiệt độ nói chung, như đo nhiệt độ trong phòng, ngoài phòng, đo nhiệt độ nước và bể bơi v.v., cột thuỷ ngân của các nhiệt kế này theo sự thay đổi của nhiệt độ môi trường mà có phản ứng lập tức, lên cao hoặc hạ thấp một cách tự động. Nhưng cái cặp nhiệt độ cho người thì sau khi dùng xong, nhất thiết phải vẩy mạnh tay mấy lần thì cột thuỷ ngân mới hạ xuống được.
Chỗ bí ẩn trong chuyện này là, nói chung đường kính trong của ống thuỷ tinh của nhiệt kế có kích thước như nhau, còn kích thước đường kính trong của ống thuỷ tinh cặp nhiệt phải qua thiết kế đặc biệt. Đặc điểm của nó là chỗ tiếp giáp giữa cột thuỷ ngân và bầu thuỷ ngân đặc biệt nhỏ. Chính vì cách thiết kế này làm cho thuỷ ngân trong bầu của cái cặp nhiệt, khi chịu nhiệt giãn nở, có thể từ khe hẹp nhỏ đó đùn lên rất dễ dàng. Còn gặp khi chịu lạnh co dồn lại thì cột thuỷ ngân chẳng những không thể từ khe hẹp đó rút về một cách thuận lợi, mà dưới tác động co lại của lực tập trung bên trong của bản thân thuỷ ngân, cả cột thuỷ ngân liền bị đứt làm hai đoạn tại chỗ khe hẹp. Đầu trên của đoạn trên vẫn chỉ ra nhiệt độ cơ thể, còn đầu dưới chịu tác động co lại của lực tập trung bên trong không thể tự động chảy trở về bầu thuỷ ngân. Chính vì sự thiết kế và chế tạo như vậy mới giúp cho thầy thuốc có thể đo chính xác nhiệt độ cơ thể của người bệnh, chẩn đoán chính xác bệnh tình. Nếu cái cặp nhiệt cũng giống như kiểu đo nhiệt thông thường, vừa rời khỏi cơ thể người, cột thuỷ ngân liền xảy ra sự thay đổi rõ rệt (tụt ngay xuống), thì cái cặp nhiệt mất giá trị thực dụng.
Cái cặp nhiệt sau khi dùng xong, có thể chúc đầu nó xuống, vẩy mạnh tay vài lần. Đó là cách lợi dụng quán tính, làm cho thuỷ ngân của đoạn trên xông qua khe hẹp trở về bầu thuỷ ngân. Có điều khi vẩy tay cũng phải chú ý đến hướng và mức độ dùng sức thì mới có thể đạt được hiệu quả tốt.”