Vì sao độ rộng của các mảnh ba màu trên quốc kì Pháp không bằng nhau?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Bạn đã trông thấy quốc kì của nước Pháp chưa? Nó do ba dải màu: xanh, trắng, đỏ hợp thành. Thoạt nhìn thì ba dải màu ấy rộng bằng nhau, song nếu bạn dùng thước đo thử thì có thể nhận thấy, chúng không phải rộng như nhau đâu. Có phải là người làm cờ đã làm nhầm chăng? Không! Người làm cờ không thể làm nhầm quốc kì, một thứ tượng trưng cho sự tôn nghiêm của quốc gia. Bên trong nó còn có một câu chuyện lí thú đấy.

Mới đầu, khi người ta chế định ra quốc kì nước Pháp, độ rộng của ba dải màu ấy như nhau. Nhưng, sau khi cờ làm xong, cứ nhìn vào là có cảm giác như phần màu xanh rộng hơn phần màu đỏ. Thế là chính phủ Pháp đã mời một số chuyên gia quang học nghiên cứu vấn đề này, sau cùng tìm được tỉ lệ thích hợp về độ rộng của ba dải màu: xanh, trắng, đỏ. Đó là 30, 33, 37. Dùng tỉ lệ như vậy cắt ra ba dải màu thì nhìn vào thấy chúng rộng bằng nhau.

Bạn cảm thấy kì lạ ư? Đó là ánh sáng làm trò ảo thuật đấy. Nhà khoa học Anh, Newton, đã từng làm các thực nghiệm tán sắc của ánh sáng. Ông cho một chùm tia Mặt Trời đi qua lăng kính tam giác, kết quả là trên phông vải ở một phía khác xuất hiện quang phổ của bảy loại ánh sáng màu: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Vì những ánh sáng đơn sắc này khi từ một loại vật chất đi vào một loại vật chất khác thì phải bị gập lệch đi. Với ánh sáng màu sắc khác nhau, mức độ gập lệch cũng khác nhau, ánh sáng xanh dễ bị gập lệch hơn ánh sáng đỏ. Thuỷ tinh thể của mắt người giống như một thấu kính lồi, cũng có thể làm cho tia sáng sinh ra gập lệch và hội tụ ở đáy mắt. Khi ánh sáng xanh đi qua thuỷ tinh thể của mắt người và hội tụ lại, so với tụ điểm của ánh sáng đỏ gần hơn một ít. Vì vậy, khi vật thể màu xanh và vật thể màu đỏ có kích thước như nhau, ở cách xa con mắt như nhau, mắt chúng ta nhìn vào có vẻ như vật thể màu xanh lớn hơn một chút. Bầu trời màu xanh lơ trông có vẻ đặc biệt cao; các kiến trúc như hội trường v.v. quét vôi màu xanh lơ trên trần nhà bao giờ trông cũng có vẻ cao rộng hơn, đều là do duyên cớ ấy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ