Bạn đã trông thấy kính mờ chưa nhỉ? Tuy ánh sáng có thể đi qua nó, song lại không trong suốt như loại kính thông thường; nó ngăn không cho thấy rõ các thứ đằng sau lưng nó. Lắp kính mờ vào cửa toa lét và nhà xí có thể làm cho ánh sáng bên trong đầy đủ, lại làm cho bên ngoài không thấy được những gì ở bên trong.
Vì sao kính mờ lại có được tính năng như vậy nhỉ? Lấy tay sờ qua, bạn có thể phát hiện, kính mờ có một mặt thô nhám không phẳng giống như giấy ráp vậy. Các tia sáng chiếu vào và chiếu ra tấm kính đều bị khúc xạ. Nếu như cả hai mặt của kính đều phẳng phiu thì hai lần khúc xạ đều rất có quy luật, chúng ta đứng cách tấm kính cũng có thể nhìn thấy đồ vật phía sau. Kính mờ có một mặt không trơn láng, nó làm cho tia sáng chiếu vào tán loạn ra một cách vô quy luật. Cho nên khi nhìn qua tấm kính mờ không thấy rõ đồ vật.
Nếu kính mờ bị xối nước vào, một lớp nước bám lên mặt thô nhám, nước lấp vào những lỗ lõm thấp của mặt thô nhám, gây tác dụng lấp cho bằng, làm cho phía mặt vốn thô nhám không phẳng trở thành mặt nước trơn láng, tia sáng chiếu qua nó, khi sinh ra khúc xạ sẽ tương đối có quy luật hơn. Khi ấy, trạng thái trong suốt của kính mờ liền được cải thiện, nhìn qua nó cũng có thể thấy được đồ vật đối diện. Đến khi nước bốc hơi hết, mặt thô ráp khô đi, nó lại khôi phục về nguyên trạng mờ đục.
Có điều, tia sáng chiếu qua chỗ tiếp xúc của mặt thô ráp và nước, vẫn tồn tại một phần khúc xạ không quy tắc, cho nên kính mờ bị giội nước vào không được trong suốt như kiểu kính thông thường. Vả lại, nếu mặt bị giội nước là mặt bóng láng, không phải mặt thô ráp, thế thì kính mờ vẫn không trong suốt như cũ. Cho nên, cửa toa lét và nhà xí có lắp kính mờ, bao giờ mặt bóng láng cũng quay ra ngoài, mặt thô ráp quay vào trong.