“Chơi bóng bàn, ngoài kĩ thuật cầm vợt của vận động viên có tính quyết định ra thì tác dụng của cái vợt cũng rất quan trọng. Đối với một vận động viên bóng bàn, cái vợt cũng tựa như vũ khí trong tay người chiến sĩ.
Theo đà phát triển không ngừng của phong trào bóng bàn thế giới, các lối đánh và kĩ thuật cũng đang được sáng tạo không ngừng, các chủng loại vợt bóng bàn cũng ngày một nhiều lên.
Thuở ban đầu, đánh bóng bàn đều dùng vợt gỗ. Vợt làm bằng gỗ thiếu lực đàn hồi và lực ma sát, tốc độ đánh bóng rất chậm, chỉ là đẩy qua đẩy lại, khi ngẫu nhiên thấy có bóng lên cao thì mới vụt mạnh một cái.
Về sau xuất hiện vợt cao su. Trên mặt cao su phân bổ đầy những hạt nhỏ mềm mềm. Khi vợt tiếp xúc với bóng, không phải chỉ có một điểm tiếp xúc như của vợt gỗ, mà là một mặt cong. Điều đó mở rộng diện tích tiếp xúc giữa vợt và bóng, gia tăng lực ma sát đối với bóng. Khi vụt bóng, có thể làm cho bóng bị xoáy, bay theo đường cánh cung, nâng cao kĩ thuật đánh bóng lên.
Năm 1952, sự xuất hiện của vợt xốp đã làm cho kĩ thuật đánh bóng phát triển thêm một bước. Vì bọt xốp rất mềm mại, bên trong chứa đầy lỗ khí nhỏ xíu nên có tính đàn hồi mạnh. Khi vụt bóng, quả bóng tiếp xúc với bọt xốp, dưới tác động của lực đàn hồi, tốc độ ra bóng nhanh hơn, lực tăng lên. Song, vợt đơn thuần dùng bọt xốp, do lực ma sát không đủ, khó khống chế tính chuẩn xác của bóng và khó sinh ra xoáy bóng. Thế là có người nghĩ ra một cách làm hay: dán một màng cao su có hạt rải đều không dày quá 2 mm lên trên lớp bọt xốp, lại vừa có tính bám dính điều khiển bóng của cao su.
Việc dán cao su lên mặt xốp cũng đáng được chú ý. Có cái dán thuận (hạt cao su ở ngoài), có cái dán ngược (hạt cao su ở trong). Điều đó liên quan tới đặc tính vật lí của hai loại vợt khác nhau, cùng với yêu cầu khác nhau của vận động viên về vợt.
Ví dụ như, vận động viên chơi kiểu tấn công nhanh thì nói chung đều chọn loại vợt cao su dán thuận, kết hợp với bọt xốp. Vì lực phản đàn hồi của cao su dán thuận mạnh hơn của cao su dán ngược, hạt của nó nằm ở ngoài, mặt tiếp xúc của cao su với bóng nhỏ, thời gian dừng lại ngắn, tốc độ ra bóng nhanh, có lợi cho việc tăng nhanh tốc độ tấn công và sức mạnh của vận động viên kiểu tấn công nhanh.
Còn vợt cao su dán ngược kết hợp với bọt xốp thì càng thích hợp cho việc đánh bóng theo hình vòng cung và cắt bóng của vận động viên. Bóng đường vòng cung xoáy lên trên, cắt bóng xoáy xuống dưới. Hai lối đánh này đều nhấn mạnh vào việc phát huy bóng xoáy. Cao su dán ngược thì các hạt ở bên trong, bề mặt của nó rất có tính bám dính. Khi đánh bóng, diện tích tiếp xúc giữa vợt và bóng lớn, lực ma sát sinh ra đối với bóng cũng khá lớn, càng có lợi cho đặc điểm phát huy bóng xoáy. Đồng thời, vì giữa mặt cao su của nó và lớp bọt xốp có thêm một lớp hạt bằng cao su, giữa các hạt này có rất nhiều khe trống, khi vợt tiếp xúc với bóng, mặt vợt lõm vào trong càng nhiều, diện tích tiếp xúc giữa vợt và bóng càng lớn, lực ma sát cũng theo đó tăng lên, vận động viên có thể lợi dụng lực ma sát, làm cho bóng xoáy thêm phần lợi hại.
Trên chiếc vợt bóng bàn nho nhỏ mà có biết bao điều cần học hỏi. Nhưng màu sắc của hai mặt vợt vì sao lại khác nhau? Đó là do có vận động viên sử dụng loại vợt một phía dán thuận, một phía dán ngược, khi thi đấu luôn thay đổi phía thuận nghịch, làm cho đối phương khó phát hiện ra đường bóng của mình.
Để cho thi đấu bóng bàn càng có tính thưởng thức hơn, Hội liên hiệp Bóng bàn Quốc tế, trong quy tắc mới, có nêu ra một loạt các quy định có tính chất hạn chế về độ dày của bọt xốp và hạt cao su trên mặt vợt, về độ dài của cao su v.v., trong đó có một quy định là cao su dán thuận và dán ngược ở hai mặt vợt phải dùng màu sắc khác nhau.”