Máy photocopy được chế tạo theo nguyên lí điện tích âm và dương hút nhau. Khi một tờ giấy có hình ảnh cần in lại được đặt lên bàn in của máy photocopy, ánh sáng phản xạ, hình thành dưới sự chiếu xạ của ánh đèn trong máy, đi qua hệ thống quang học do kính phản xạ và thấu kính hợp thành, tụ tiêu thành ảnh. Ảnh này vừa đúng rơi lên cái trống phơi quang dẫn. Trống phơi quang dẫn là một loại ống có kết cấu dạng trống tròn, trên mặt có phủ màng mỏng chất quang dẫn phơi. Chất quang dẫn rất nhạy với ánh sáng. Khi không có tia sáng thì nó có điện trở suất cao; có ánh sáng chiếu vào, điện trở suất liền nhanh chóng hạ xuống. Lúc giữ vai trò của một điện cực, bề mặt chất quang dẫn có mang điện tích tĩnh đồng đều.
Khi ảnh ánh sáng, hình thành bởi ánh sáng phản xạ của hình ảnh cần in lại, rơi lên bề mặt chất quang dẫn, do hình ảnh có chỗ đậm, chỗ nhạt, ánh sáng phản xạ có mạnh có yếu, làm cho điện trở suất của chất quang dẫn sinh ra biến đổi tương ứng. Điện tích tĩnh của bề mặt chất quang dẫn cũng theo mức độ mạnh yếu của tia sáng mà biến mất hoặc biến mất một phần, trên lớp màng của chất quang dẫn hình thành lên một hình ảnh ẩn tĩnh điện. Mắt thường không nhìn thấy nó. Nó có vẻ như ẩn mình trong lớp màng mỏng của chất quang dẫn.
Khi ấy, một loại mực đen hiện ảnh có cực tính ngược lại với điện tích trên ảnh ẩn tĩnh điện, dưới sức hút của lực điện trường, bám lên trên bề mặt chất quang dẫn. Lượng bột mực bám lên ảnh ẩn tuỳ theo số lượng nhiều ít của điện tích trên ảnh ẩn mà tăng giảm. Thế là trên mặt trống phơi hiển hiện ra một hình ảnh bằng bột mực có tầng lớp nông sâu rõ rệt. Khi giấy in tiếp xúc với hình ảnh bột mực, dưới tác động của lực điện trường, hình ảnh có bột mực bám vào liền chuyển giao bột mực sang tờ giấy in, như kiểu đóng dấu vào đấy, trên giấy in cũng hình thành hình ảnh bột mực.
Tiếp đến đưa giấy in đó vào trong bộ phận định hình và gia nhiệt, nhựa chứa trong bột mực chảy ra, thế là bột mực dính kết chặt lên trang giấy, hình ảnh và chữ viết liền được in lại trên giấy.