Khi xe đạp địa hình đang chạy, có thể chuyển líp đổi tốc độ, còn xe đạp bình thường thì không có loại chức năng đó. Thì ra, trên xe đạp địa hình có lắp một cơ cấu chuyển líp đổi tốc độ (cái đêrayơ).
Khi cưỡi xe, hai chân đạp lên pêđan, làm cho cái đĩa quay, thông qua dây xích truyền động, làm cho cái líp trên trục bánh sau cũng quay theo, kéo cả bánh sau cùng quay, xe đạp cứ thế mà chạy tới phía trước. Còn trên trục bánh sau của xe đạp địa hình có lắp một cơ cấu chuyển líp đổi tốc độ. Nó do vài cái líp đường kính khác nhau hợp thành. Nếu chọn cái líp đường kính tương đối nhỏ thì cái đĩa quay một vòng, cái líp ở đằng sau sẽ quay rất nhiều vòng. Như vậy, tuy khi cưỡi xe phải bỏ ra một ít sức lực, nhưng tốc độ chạy của xe đạp lại có thể nâng cao tương ứng, có tác dụng tăng tốc. Nếu chọn cái líp có đường kính tương đối lớn, cái đĩa cũng quay một vòng như thế, song số vòng quay của cái líp ở đằng sau phải ít đi tương ứng. Như vậy, tuy tốc độ của xe đạp chậm lại, nhưng cưỡi xe đỡ mất sức, đặc biệt có ích khi xe lên dốc.
So với xe đạp bình thường chỉ có một cái líp trên trục bánh sau, xe đạp địa hình có lắp thêm vài cái líp đường kính khác nhau, người cưỡi xe có thể căn cứ địa hình khác nhau mà chọn lựa sử dụng.