“Những con đường mà chúng ta thường thấy nếu không phải là mặt đường nhựa màu đen thì là mặt đường xi măng màu xám. Nói đến đường màu, e rằng chỉ thấy trong các tranh vẽ của trẻ em mà thôi.
Kỳ thực, thì ở nhiều nơi trên thế giới có một số thành phố quả là đã xây dựng một số “”đường màu”” đấy ! Ví dụ như ở Đông Bắc thủ đô Pari nước Pháp một con đường màu dài 32 km. Con đường này tuỳ theo tình trạng và phương hướng của đường, người ta sơn lên nhiều loại màu sắc khác nhau. Nhuộm màu cho đường không phải là để cho đẹp, chủ yếu là mong muốn thông qua sự biển đổi của các loại màu ấm (màu đỏ), màu lạnh (màu xanh lam), dần dần thay cho các màu đơn điệu trên các mặt đường và biển báo giao thông, loại trừ những cảm giác đơn điệu căng thẳng, sốt ruột của người lái. Mặt khác, người lái luôn luôn có thể căn cứ vào màu sắc và các hình vẽ dọc theo mặt đường để có sự phán đoán chính xác, dùng biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn khi chạy xe.
Thông thường, màu ấm (màu đỏ) có thể làm cho người lái đề cao cảnh giác, màu này thường được quét lên đoạn đường gần phố xá đông đúc hoặc sắp vào đường rẽ, nhắc nhở người lái thận trọng; màu lạnh (màu xanh lam) có thể khiến cho người lái có một cảm giác nhẹ nhõm; ngoài ra, còn có thể dùng các hình màu có dạng hình cầu hoặc hình nón để chỉ rõ tình hình lên xuống của mặt đường; ở mỗi đầu cầu người ta quét các màu khác nhau, có thể dùng để chỉ rõ các hướng đông tây nam bắc khác nhau.
Cùng với việc mở rộng thành phố, người ta cũng đề ra yêu cầu rất cao đối với tốc độ xe. Hiện nay, một số thành phố trên thế giới còn xây dựng các đường dạ quang, tức là quét lên mặt đường một lớp vật liệu phát sáng, mục đích cũng là làm cho người lái nâng cao cảnh giác, bảo đảm an toàn khi lái xe ban đêm.”