Các công trình kiến trúc sử dụng năng lượng Mặt Trời như thế nào?

Bạn đã nhìn thấy bếp Mặt Trời chưa? Cái dụng cụ to như chiếc ô che mưa đó chính là một cơ cấu dùng để thu góp năng lượng Mặt Trời, chỉ cần quay nó về phía Mặt Trời thì có thể đun nước, nấu cơm. Vậy thì, các công trình kiến trúc có thể hấp thụ năng lượng Mặt Trời giống như bếp Mặt Trời không? Lắp tấm góp nhiệt năng của Mặt Trời vào bề mặt bên ngoài công trình kiến trúc, sử dụng năng lượng Mặt Trời thu góp được dùng cho các trang thiết bị và con người ở trong công trình kiến trúc, đó chính là “kiến trúc năng lượng Mặt Trời” kiểu mới. Các nước trên thế giới đều tràn đầy hy vọng đối với “kiến trúc năng lượng Mặt Trời”, nhất là những nước nghèo nàn về nguồn năng lượng, nhưng dồi dào ánh sáng Mặt Trời.

Nước Đức đi đầu về xây dựng “kiến trúc năng lượng Mặt Trời”. Nước này đang thực thi một kế hoạch to lớn: Đến đầu thế kỷ XXI có trên 30% số nhà ở trong các thành phố trên cả nước chủ yếu dựa vào năng lượng Mặt Trời để cung cấp điện. Mỗi năm nước Đức sẽ tăng thêm 150.000 m2 tấm góp nhiệt năng của Mặt Trời trên các toà nhà, chỉ trong năm 1994, nước Đức đã thực hiện chính sách ưu đãi đối với những nhà ở có lắp đặt tấm góp nhiệt năng của Mặt Trời ở 12 thành phố và thị trấn. Ví dụ, chính quyền thành phố Anchen quy định, bất cứ cư dân nào tích cực sử dụng năng lượng Mặt Trời, chính quyền sẽ chịu 1/2 giá tiền mua thiết bị thu góp nhiệt lượng của Mặt Trời cho họ. Hơn nữa, chính quyền cũng chịu trách nhiệm lắp đặt miễn phí. Chính quyền thành phố Born cũng công bố một “Kế hoạch trạm điện năng lượng Mặt Trời cho 1000 hộ gia đình”. Đối với những nhà ở có thiết bị phát điện còn thừa của các nhà ở dùng năng lượng Mặt Trời, chính quyền thu mua toàn bộ, hơn nữa còn được miễn thuế. Nhờ những chính sách rất được lòng người đó nên dân cư tỏ ra hết sức nhiệt tình đối với việc sử dụng các kiến trúc năng lượng Mặt Trời.

Sau những năm 90, Viện nghiên cứu và chế tạo pin quang điện có những tiến triển có tính chất đột phá, hiệu suất chuyển đổi quang điện của nó từ trên dưới 5%, lức đầu đã tăng lên trên 10%, điều đó đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc sản xuất và phổ biến pin quang điện với quy mô lớn. Tháng 12 năm 1993, thành phố Feldberg của Đức đã xây dựng một “kiến trúc năng lượng Mặt Trời” có tạo hình rất độc đáo: Trên mái nhà lắp số tấm góp nhiệt năng của Mặt Trời với diện tích 50 m2, đủ để cung cấp điện năng cho toàn bộ nhu cầu của ngôi nhà, bao gồm điện chiếu sáng, nước nóng, sưởi ấm, điều hoà nhiệt độ và các khí cụ điện gia dụng khác. Diện tích ngôi nhà này là 100 m2, giá xây dựng 1,5 triệu mác, xét đến chính sách ưu đãi và phụ cấp thêm của nhà nước những người dân bình thường trong thành phố cũng có thể mua được.

Một kiến trúc sư người Anh đã đưa ra một ý tưởng gọi là “thành phố Mặt Trời thế kỷ XXI”. Ông ta cho rằng, nếu muốn lưu lại cho nhân loại và động vật đời sau đất đai, không khí nước và các tài nguyên thiên nhiên không bị ô nhiễm, con người cần phải sử dụng đến mức tối đa năng lượng trong sạch của Mặt Trời để xây dựng những “thành phố Mặt Trời” và “kiến trúc Mặt Trời”, dùng “thời đại Mặt Trời” thay cho “thời đại công nghiệp cơ khí”. Vị kiến trúc sư này đã đưa lý luận có liên quan vào thực tiễn. Ông ta xây dựng một công trình kiến trúc kiểu mới ở cảng Bordeaux nước Pháp, toàn bộ năng lượng bên trong kiến trúc đều có các trang thiết bị năng lượng Mặt Trời cung cấp. Hơn nữa, toàn bộ nhà không có thiết bị điều hoà nhiệt độ, mà dùng một đường ống thông gió chạy thẳng lên đến thác nước thay cho tác dụng của máy điều hoà nhiệt độ. Ngoài ra ông ta còn thiết kế một toà kiến trúc khác ở Tôkyô, Nhật Bản, cũng không dùng máy điều hoà nhiệt độ chạy bằng điện, thế mà cả toà nhà đều mát mẻ như mùa xuân vậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ