Tại sao loài chim lại có thể trở thành “kẻ thù” của máy bay phản lực?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Máy bay cất cánh và hạ cánh đương nhiên cần phải có sân bay. Trong quá trình xây dựng sân bay, ngoài các trang thiết bị cần thiết, còn phải chú ý một vấn đề, đó là ở gần sân bay có đàn chim lớn không. Có lẽ bạn cảm thấy kỳ quái: những con chim nhỏ đang bay kia lẽ nào lại trở thành “kẻ thù” của máy bay.

Sự thực đúng là như vậy: Theo thống kê, chỉ riêng ở Mỹ, do máy bay và chim va vào nhau đã gây nên cái gọi là “sự va chạm có tính chất phá hoại của chim” khiến cho hành khách đi trên máy bay bị thương hoặc máy bay bị hỏng, bình quân mỗi năm có trên 35 vụ.

Tại sao loài chim lại thích “gây khó dễ” cho máy bay vậy?

Điều này là do hiện nay phần lớn các máy bay đều là máy bay phản lực, động cơ của chúng cần phải hút thật nhiều không khí ở chung quanh mới có thể làm việc được do đó lỗ nạp khí của máy bay đều được thiết kế rất to, khi bay, như há một cái mồm lớn nuốt chửng một cách tham lam luồng không khí ở phía trước. Nếu chim đang bay ở gần đó thì có thể bị động cơ máy bay hút vào cùng với luồng không khí. Tốc độ bay của máy bay phản lực vốn rất nhanh, cơ thể chim tuy rất mềm mại, nhưng với sự va chạm ở tốc độ cao, sức phá hoại của nó cũng rất lớn; hơn nữa kết cấu bên trong của động cơ phản lực lại rất tinh vi, sau khi chim va vào thường thường có thể làm cho quá trình làm việc của động cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí buộc động cơ phải dừng lại, khiến cho máy bay mất đi động lực tiến lên; kết quả gây nên tai nạn máy bay.

Đương nhiên, mối nguy hại của chim đối với máy bay phản lực hiện đại, còn biểu hiện ở chỗ nó va chạm trực tiếp vào vỏ máy bay, vì tốc độ máy bay phản lực rất nhanh, sự va chạm này cũng gây nguy hiểm. Đã từng có một máy bay tiêm kích bay với tốc độ 600 km/h, va vào một con chim nhạn đang bay ở trên không, kết quả là con chim nhạn đó lại có thể “phá cửa sổ chui vào”, va vào người lái khiến cho anh ta bị hôn mê. Những sự va chạm trực tiếp nghiêm trọng như vậy, tuy rất hiếm thấy, nhưng rõ ràng đã mang lại nguy hiểm rất lớn đối với máy bay cao tốc.

Theo tư liệu thống kê, sự kiện chim bị hút và va chạm với máy bay phản lực hay xảy ra ở Châu á, kế đến là Châu Mỹ, Châu Âu ít nhất. Vả lại các sự kiện đó chủ yếu phát sinh ở tầng thấp 900 m trở xuống, còn ở dưới 600 m là khu vực nguy hiểm nhất. Cũng có nghĩa là vấn đề chủ yếu xảy ra khi máy bay cất cánh và hạ cánh. Vậy thì, làm thế nào để đối phó với đàn chim ở vùng phụ cận sân bay.

Con người đã từng nghĩ ra nhiều biện pháp để đối phó với chim. Chẳng hạn như, đặt những con bù nhìn bằng cỏ có thể chuyển động được ở sân bay, hoặc bắn súng trong quá trình máy bay cất cánh và hạ cánh làm cho đàn chim ở quanh sân bay sợ hãi bay đi; ngoài ra trước khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh còn có thể dùng loa phát băng ghi âm tiếng kêu gào thảm thiết của chim để chúng khiếp sợ phải bay đi, hoặc để các tiêu bản chim đã chết ở các nơi trên sân bay, khiến cho chim trông thấy khiếp sợ mà tránh đi. Ngoài ra còn có thể dùng kỹ thuật điện tử và kỹ thuật rađa hiện đại, lắp đặt rađa giám sát từ xa, cảnh báo cho máy bay tránh xa đàn chim trên đường bay; ở trên sân bay dùng rađa mạch xung ngắn, theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của đàn chim ở gần đường băng, để khi cần thiết thì hoãn thời gian cất cánh hoặc hạ cánh của máy bay. Đương nhiên, cải tiến máy bay và kết cấu của động cơ, để nhỡ có va vào chim cũng không sợ, đó mới là biện pháp giải quyết cơ bản.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ