Lịch sử kiến trúc hầu như cũng lâu dài như lịch sử loài người. Kiến trúc của người nguyên thuỷ là những lều lán dùng cành cây, đất sét, lá cây, da thú, v.v. xây dựng nên hình dáng bên ngoài và kết cấu hết sức thô sơ, chỉ nhằm mục đích tránh mưa gió sương tuyết, đề phòng sự xâm nhập của thú dữ, không thể gọi là tạo hình và nghệ thuật được.
Về sau, các vị đế vương của các nước, các triều đại muốn khoe khoang quyền thế và hưởng thụ, cũng như xuất phát từ nhu cầu tôn giáo, người ta đã xây dựng lên những lăng mộ, cung điện, các kiểu kiến trúc này thường có bề ngoài hùng vĩ, đầy những trang sức và điêu khắc, bản thân kiến trúc bắt đầu biểu hiện tính nghệ thuật và phong cách kiến trúc của các dân tộc, quốc gia và thời đại.
Đến xã hội hiện đại, quan hệ giữa con người ngày càng nhiều phát triển, đi đôi với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, sự tăng tốc của nhịp độ đời sống và sản xuất, dân số tăng lên nhiều, việc xây dựng các công trình kiến trúc vừa nhanh vừa nhiều đã trở thành xu thế tất yếu. Việc trang trí và chạm trổ điêu khắc tốn công mất thời gian trên những kiến trúc cổ bị giản lược đi, đồng thời từ đó mà sinh ra một loại kiến trúc được gọi là kiến trúc hiện đại “quốc tế hoá”: Các đường nét gọn gàng, sáng sủa, các cửa kính lớn, hình dáng bên ngoài giống như một cái hộp v.v. Ví dụ, có một thời kỳ thịnh hành kiến trúc “hộp kính”, hình dáng bên ngoài các kiến trúc hầu như giống nhau, nhưng chỉ có kiểu mái nhà là hơi khác nhau một chút, đến nỗi có người nói rằng, kiến trúc hiện đại chỉ cần thiết kế mái nhà là được rồi.
Tuy nhiên, trào lưu kiến trúc cũng như thời trang, cùng với thời gian, phong cách kiến trúc cũng thay đổi. Sau một thời kỳ thịnh hành kiến trúc hiện đại đơn điệu, đã xuất hiện một trường phái “kiến trúc hậu hiện đại”, nó không phải là thời kỳ sau hoặc thời kỳ cuối của kiến trúc hiện đại, mà là trường phái đối lập của kiến trúc hiện đại.
“Hậu hiện đại” là một trào lưu tư tưởng rất rộng rãi, nó cũng tồn tại trong lĩnh vực hội hoạ, điêu khắc, thi ca, văn học và triết học. “Kiến trúc hậu hiện đại” về hình thức biểu hiện có thể chia ra thành nhiều trường phái tiêu biểu, nhưng cái tinh tuý của nó vẫn là chuyển đổi nội dung có “tính trang sức” về cho tạo hình đơn điệu của kiến trúc hiện đại, làm cho kiến trúc càng giàu cá tính và bản sắc riêng. Ví dụ, dùng các cột và trang hoàng trên cột của Hy Lạp, cổ La Mã để trang hoàng cho nhà lớn của nhà “hộp kính”, hoặc ở bên trên mái nhà bố trí những hành lang cột, mái tròn v.v. Ở Trung quốc có ví dụ thực tế là kết hợp kiến trúc đền miếu và màu đỏ với kiến trúc hiện đại, thậm chí trên những kiến trúc mới, người ta cố ý thiết kế một số tường nứt gãy, vách bị hỏng, cột nghiêng, v.v. để tạo nên một bầu không khí “di tích cổ”. Phái hậu hiện đại cho rằng, kiến trúc là một loại văn hoá nghệ thuật, chứ không chỉ có mục đích là đáp ứng nhu cầu vật chất.