Giao lộ (ngã ba, ngã tư v.v.) là điểm trọng yếu của giao thông, một mặt nó thuận tiện cho xe cộ và người đi bộ điều chỉnh phương hướng đi lại, mặt khác, vì ở đầu đường quản lý bằng đèn xanh đèn đỏ, nên ít nhiều đã làm giảm khả năng lưu thông của đường sá.
Phương thức giao lộ hình vòng tròn tuy có thể làm dịu bớt vấn đề ùn tắc giao thông ở nút đường, nhưng khi lưu thông xe qua giao lộ quá lớn thì giao lộ hình vòng tròn cũng tỏ ra bất lực, theo phân tích, khi lưu lượng xe qua giao lộ đạt đến 4000-6000 chiếc/giờ, thì phải dùng hình thức “giao lộ lập thể” để giải quyết, người ta thường gọi là “cầu vượt”. Tính ưu việt lớn nhất của nó là ở chỗ tránh được sự hạn chế thời gian của đèn xanh đèn đỏ, các xe chạy theo các chiều khác nhau có thể chạy theo đường của mình, không ảnh hưởng lẫn nhau.
Trong các hình thức giao lộ lập thể, khả năng lưu thông và chức năng của giao lộ lập thể kiểu kết nối với nhau là tương đối hoàn thiện hơn cả. Giao lộ lập thể kiểu kết nối với nhau còn được gọi là “nút lập thể”, nó dùng các đường vòng để kết nối giữa các con đường với nhau: xe cộ có thể thông qua các đường vòng một cách thuận tiện để thay đổi phương hướng chạy xe ở trên các đường có độ cao và chiều khác nhau. Khả năng lưu thông của “nút lập thể” này rất lớn, nhưng chiếm nhiều đất, đầu tư tốn kém hơn. Có trường hợp có thể căn cứ theo đặc điểm thực tế của giao thông, như hạn chế xe rẽ theo một chiều nào đó, để bảo đảm sự lưu thông của xe cộ trên đường chính, hoặc giảm bớt một hoặc vài đường vòng dùng để phân luồng xe, xây thành giao lộ lập thể kiểu không hoàn toàn kết nối với nhau.
Về hình thức thiết kế và chức năng của giao lộ lập thể, kiểu kết nối với nhau, lại có thể chia thành nhiều loại. Như giao lộ lập thể kiểu cỏ linh lăng dùng cho các đường cao tốc hoặc đường vành đai thành phố; giao lộ lập thể kiểu loa kèn dùng cho ngã ba; giao lộ lập thể kiểu định hướng có nhiều đường cho xe chuyên dùng, thường dùng cho đường cao tốc; giao lộ lập thể kiểu vu hồi thường dùng để kéo dài tuyến đường rẽ trái của xe cộ; giao lộ lập thể kiểu hình vòng rất thích hợp với các đầu mối giao thông nhiều ngã, có thể bảo đảm sự lưu thông của xe chạy thẳng trên trục đường chính. Do đó có thể thấy rằng các giao lộ lập thể kết nối với nhau với những hình thức khác nhau thì chức năng của chúng cũng khác nhau, cần tuỳ theo tình hình giao thông thực tế để thiết kế xây dựng.
Năm 1928, bang New Jersey của Mỹ đã xây dựng giao lộ lập thể kết nối với nhau lần đầu tiên trên thế giới, năm 1985, thành phố Thiên Tân, Trung Quốc xây dựng giao lộ lập thể ba tầng kiểu kết nối với nhau. Hiện nay nhiều thành phố của Trung Quốc đều đã xây dựng giao lộ lập thể kiểu kết nối với nhau, có tác dụng rất lớn trong việc giải quyết vấn đề giao thông ngày càng ùn tắc của thành phố.