Tác dụng của cầu là nối liền con đường ở hai bên bờ sông, nhưng nếu cầu và đường ở hai bên bờ bằng phẳng như nhau, thì tuy có thuận tiện cho xe cộ qua lại, nhưng lại làm cản trở đường sông, ảnh hưởng đến sự qua lại của tàu bè ở dưới sông; nếu xây cầu thật cao, thì không những thi công khó hơn và giá thành tăng lên, hơn nữa cũng làm tăng độ dốc ở hai đầu cầu, giao thông qua lại trên mặt cầu không được thuận tiện lắm. Vậy thì giải quyết mâu thuẫn giao thông ở trên cầu và dưới cầu như thế nào? Điều này có hai phương án là cầu cao và cầu thấp.
Trong phương án cầu cao, mặt cầu cao hơn mặt đường ở hai bên bờ sông, điều đó đòi hỏi có một đoạn “quá độ” giữa cầu và đường, nâng cao dần mặt đường, khiến cho xe cộ có thể lên xuống cầu một cách thoai thoải êm nhẹ. Nếu chiều cao mặt cầu và mặt đường không chênh lệch nhau lắm thì chỉ cần đắp cao dần dần mặt đường cho ngang bằng với mặt cầu. Nếu mặt cầu quá cao, thì phải dùng biện pháp làm “cầu dẫn”, để cho xe cộ từ từ leo lên cho đến khi có thể chạy bằng phẳng qua cầu chính. Cầu lớn Trường Giang của Trung Quốc có cầu dẫn rất dài, nó là phần kéo dài của “cầu chính” trên sông. Có trường hợp, khi chiều cao của mặt cầu và mặt đường chênh lệch nhau quá lớn, thì chiều dài của cầu dẫn thậm chí có khả năng dài hơn cả cầu chính cơ đấy! Như vậy, tiện cho cả xe cộ và tàu bè qua lại trên cầu, dưới sông.
Mặt cầu của cầu thấp nói chung có chiều cao không chênh lệch nhau mấy so với mặt đường hai bên sông, do đó giữa cầu và đường không cần làm cầu dẫn. Để tiện cho tàu bè qua lại, có thể làm cho một trong các gầm cầu có thể quay, hoặc mở ra khi tàu chạy qua dưới cầu, lúc này xe cộ ở hai đầu cầu tạm thời dừng lại. Như vậy có thể thoả mãn được yêu cầu của cả hai mặt giao thông thủy bộ.