Những năm gần đây, một số thành phố lớn của các nước trên thế giới đều đứng trước sức ép nặng nề về giá đất đắt đỏ, dân số đông đúc và sự căng thẳng về nhà ở, quả là đã đến mức độ “tấc đất tấc vàng”. Để làm dịu các mâu thuẫn đó, người ta nghĩ ra đủ loại ý tưởng.
Thời kỳ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, một công ty của Nhật Bản đã đưa ra một kế hoạch hùng vĩ là xây dựng “toà nhà siêu cấp” – “Try 2004”. Loại công trình kiến trúc này không giống như các toà nhà lớn, mà tương tự như một thành phố: Nó chiếm một diện tích gần 800 ha, cao 2004 m, phần từ tầng trệt lên đến đỉnh nhà chia làm tám cấp, từ cấp 1 đến cấp 4 là toà nhà dùng làm nhà ở và văn phòng làm việc, từ cấp 5 đến cấp 8 là cơ quan nghiên cứu và nơi nghỉ ngơi. Tổng diện tích sử dụng của công trình kiến trúc to lớn đồ sộ là 8800 ha, trong đó 55% dùng làm nhà ở cho cư dân, có thể xây thành 24 vạn căn hộ, cho 70 vạn người ở; 32% dùng làm văn phòng làm việc và khu thương nghiệp, có thể cho 80 vạn người làm việc ở đó; 13% dùng làm cơ quan nghiên cứu, khách sạn và nơi nghỉ ngơi. Do đó, nó là một thành phố hiện đại có tính tổng hợp hoà thành một thể thống nhất bao gồm nhà ở nhiều tầng, văn phòng làm việc, công trình văn hoá và thương nghiệp, vườn hoa, công viên trong không gian, cơ quan nghiên cứu, khách sạn và nơi nghỉ ngơi.
Giá đỡ to lớn của “toà nhà siêu cấp” này là những ống hình trụ tròn có đường kính 10 m làm nền móng, bên trong ống dùng làm đường vận chuyển nhân viên và hàng hoá. Toàn bộ công trình kiến trúc gồm nhiều khối tám mặt có kết cấu không gian ba chiều hợp thành, chu vi mỗi khối tám mặt là 350 m, các nhà lầu, trạm, quán v.v. đều xây dựng giữa các khung, bao gồm cả toà nhà văn phòng cao 100 tầng. Vật liệu dùng cho kết cấu siêu cao đều là những vật liệu kiểu mới vững chắc và nhẹ, như chất nhựa tăng cường bằng cacbon và sợi thủy tinh. Cầu thang máy tiên tiến kiểu mới chuyển vận tuần hoàn liên tục, từ tầng trệt đến đỉnh nhà cao 2004 m chỉ cần bảy phút, ngoài ra còn có loại xe vận chuyển cảm ứng tuyến tính ở trong đường qua lại theo chiều nằm ngang; trong kiến trúc kiểu kim tự tháp dùng hệ thống mạng lưới cung cấp năng lượng theo kiểu khép kín, thông qua thiết bị phản ứng sinh học khiến cho nước bẩn, phế liệu và nhiệt lượng thừa được tuần hoàn sản sinh ra nguồn năng lượng mới, đồng thời lợi dụng nguồn năng lượng thiên nhiên như năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời để phát điện, bên trong công trình kiến trúc còn lắp hệ thống tin tức và truyền thông tiên tiến, đồng thời có tivi dùng ăngten chung, trong hệ thống truyền thông còn có một loại hệ thống thẻ thông tin cá nhân, dù là cư dân, nhân viên công tác hoặc khách du lịch, đều có thể sử dụng thẻ này để tư vấn những sự việc mà mình cần tìm hiểu, như vậy sẽ không có ai bị lạc đường trong “toà nhà siêu cấp” đan xen ngang dọc này.
Tuy nhiên, xây dựng loại “toà nhà siêu cấp” này cũng tồn tại một số vấn đề thực tế. Trước hết, tầng lầu càng cao thì bị ảnh hưởng của động đất và gió lớn càng lớn; thứ hai là vấn đề an toàn phòng cháy, là một bài toán khó của các toà nhà chọc trời, sau cùng là vấn đề cư trú, nhiệt độ ở trên cao 1000 m thấp hơn đến vài độ so với mặt đất, ở đấy không khí loãng hơn, áp suất khí quyển chỉ bằng 88% so với mặt đất, điểm sôi của nước là 95oC. Nhiều vấn đề thực tế đủ các loại do những sự sai khác đó mang lại, xem ra còn đòi hỏi những nhà thiết kế xem xét và nghiên cứu một cách toàn diện hơn.