Có thể “khôi phục” loại hình giao thông có đường ray trong thành phố không?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Thế hệ người già ở Thượng Hải nhất định còn nhớ xe điện có đường ray ngày xưa. Nó thường chỉ có hai toa xe, phía trước là xe động lực, có một cần gạt gọi là “đuôi sam nhỏ”, kéo toa xe đằng sau chạy leng keng qua các phố. Vì xe điện tốc độ chậm chạp, cộng thêm việc đặt đường ray ngay trên phố nên đã ảnh hưởng đến việc đi lại của các phương tiện giao thông khác và người đi đường. Do đó, xe điện bị coi là phương tiện giao thông lạc hậu, dần dần bị đẩy ra khỏi các loại phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên vì quy mô của thành phố ngày càng mở rộng, dân số phát triển nhanh chóng, vấn đề giao thông đô thị cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Giờ đây xe điện lại có cơ hội khôi phục lại vị trí trước đây. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là lại lôi loại xe điện cũ kỹ đã cho vào Viện bảo tàng ra dùng lại, mà là có kế hoạch từng bước ứng dụng các loại giao thông có đường ray vào giao thông của thành phố.

Mọi người thường cho rằng xe lửa là phương tiện vận chuyển cho quãng đường trung bình dài, thực ra đó là một sự hiểu lầm. Ví dụ các thành phố lớn như Pari, Matxcơva, New York, Cáp Nhĩ Tân, v.v. hệ thống đường sắt ở ngoại thành phần lớn đều tu sửa thành tuyến đường vành đai để đưa hành khách đi về các hướng ở ngoại thành. Ở các thành phố đó, cư dân đi làm và trở về nhà đều có thể đi bằng xe lửa. Ngoài ra, do các hướng giao thông đều có xây nhà ga, các hành khách đi xe lửa từ nơi khác đến, đi vào các nơi của thành phố cũng rất tiện lợi, chỉ cần lên xe lửa ở vành đai ngoại thành là được.

Năng lực vận chuyển của đường tàu điện ngầm lớn gấp 7-10 lần ô tô công cộng trên mặt đất. Lấy đường tàu điện ngầm ở Matxcơva làm ví dụ, lượng vận chuyển trong ngày đêm là sáu triệu lượt người, chiếm 41,2% lượng chở khách của toàn thành phố. Do đường tàu điện ngầm ít bị gây nhiễu, nên ngày càng có nhiều người chọn tàu điện ngầm làm phương tiện giao thông lý tưởng của mình. Ở Trung Quốc cũng có một số thành phố đã xây dựng đường tàu điện ngầm.

Giao thông đường ray nhẹ, còn gọi là “đường sắt ray nhẹ”. Gọi là “ray nhẹ” không có nghĩa là đường ray của nó nhẹ hơn đường ray của đường sắt thông thường, mà trọng lượng chở của tàu chạy trên loại đường ray này nhẹ hơn so với đường sắt thông thường. Có thể nói nó được phát triển trên cơ sở xe điện có ray kiểu cũ trước kia, nó có đặc điểm của đường sắt thông thường, đường tàu điện ngầm và xe điện có ray. Đường sắt ray nhẹ nói chung có tốc độ vào khoảng 25-50 km/giờ, đoàn tàu đa dạng thường có 2-6 toa.

Câu chuyện lại đưa ta trở về với vấn đề xe điện có ray, loại phương tiện giao thông “kiểu cũ” ấy, giờ đây lại được coi trọng ở nhiều nước như thành phố Menbuốc của Ôtxtrâylia có mạng lưới xe điện dài hơn 200 km, một số thành phố lớn của Đức, Mỹ, Nhật cũng đã trùng tu lại xe điện. Đương nhiên, các loại xe điện có ray ấy về mặt kỹ thuật đã được cải tiến rất nhiều so với xe điện kiểu cũ.

Các loại giao thông có đường ray nói trên, còn có thể phối hợp với nhau, như chuyển tiếp, liên vận. Do đó, có thể thấy, giao thông có đường ray đang được phục hồi trở lại và đã trở thành một bộ phận quan trọng ngành giao thông của thành phố.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ