Tại sao các toà nhà chọc trời lại sợ nhất là hoả hoạn?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Trong các tai hoạ mà các toà nhà chọc trời gặp phải thương vong về người do hoả hoạn gây nên tương đối nhiều, tổn thất về của cải vật chất cũng cực kỳ nghiêm trọng, chỉ đứng sau “sát thủ nhà cao” là động đất mà thôi. Theo thống kê trong thời gian từ năm 1961-1964, các khách sạn ở Nhật Bản xảy ra trên 400 vụ hoả hoạn, còn ở Mỹ thì nhiều đến 11.800-12.400 lần, như Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) nổi tiếng, trong năm 1974 đã xảy ra 40 lần hoả hoạn1 các thống kê về nguyên nhân gây hoả hoạn ở các nhà cao tầng cho biết: Do hút thuốc lá chiếm 35%, do sự cố đường dây điện 22%, còn lại là do sưởi ấm, làm bếp và khí than v.v. Do sự bố trí của công trình kiến trúc, mấy tầng thấp ở dưới toà nhà phần lớn đều dùng làm nhà bếp, nhà ăn, hầm ngầm dưới đất, gara ô tô, kho tàng, phòng biến áp phân phối điện v.v. Những nơi này rất dễ gây hoả hoạn, cộng thêm điều kiện thông gió tương đối kém, sau khi bị cháy do thiếu oxy nên cháy không hết, sản sinh ra một lượng lớn khói mù mịt có tính kích thích và độc hại, đồng thời không khí nóng do ngọn lửa tạo ra thông qua các loại đường ống nhanh chóng lan lên phía trên, làm cho những người ở trong các tầng lầu cao bị chết vì ngạt thở.

Các đường hầm thẳng đứng ở trong kiến trúc cao tầng tương tự như ống bễ hút gió khi đốt lò, ống càng dài thì tác dụng hút gió càng mạnh. Một toà nhà chọc trời chỉ riêng hầm (giếng) cầu thang máy thường có vài chỗ cho đến vài chục chỗ, ngoài ra còn có buồng cầu thang, đường ống đổ rác, ống đưa quần áo bẩn, buồng đường ống vệ sinh, hầm dây cáp điện v.v. chúng có số lượng nhiều, tiết diện lớn, phân bố khắp nơi, lại xuyên suốt từ trên xuống dưới toà nhà, thường dài từ vài chục đến vài trăm mét, do đó hình thành một cụm ống bễ hút gió có sức hút rất mạnh, hậu quả thật đáng sợ. Như một khách sạn ở Nhật Bản, vì khách bỏ đầu mẩu thuốc lá vào đường ống đổ rác nên gây hoả hoạn, kết quả đã thiêu huỷ 7-10 tầng nhà, một khách sạn 22 tầng ở Hàn Quốc, tầng hai bị cháy ngọn lửa lan lên trên theo buồng cầu thang máy chưa đóng cửa, làm cho toàn bộ phòng khách ở bên trên đều bị cháy trụi, 163 người chết.

Có một số toà nhà cao tầng thiết kế không hợp lý, hành lang bố trí không theo hình vòng tròn mà theo kiểu “ngõ cụt” ở cuối. Khi xảy ra hoả hoạn, dòng người hoảng loạn trong khói mù, do mắt bị kích thích hoặc thiếu oxy nên khả năng nhìn bị hạn chế, khó tìm được lối ra, gây nên thương vong nặng nề về người.

Chữa cháy khó khăn lại là một nguyên nhân quan trọng nữa khiến cho các toà nhà chọc trời càng “sợ” hoả hoạn. Phần lớn các toà nhà chọc trời, ở chung quanh phần dưới thấp của toà nhà có 2-3 tầng dùng làm cơ cấu dịch vụ công cộng, như cửa hàng, trung tâm buôn bán, bưu điện, ngân hàng, nhà ăn, quán bar, nơi vui chơi giải trí v.v. Một khi toà nhà ở giữa bị cháy, xe chữa cháy đến nơi cũng khó vào sát được, do đó làm trở ngại cho việc bắc thang chữa cháy. Hơn nữa chiều cao của thang cũng có hạn, thường là 50-60 m, đối phó với hoả hoạn ở những tầng cao của toà nhà chọc trời thì quả là lạc hậu quá xa, chẳng làm gì được. Ngoài ra, giao thông đi lại trong các toà nhà chọc trời, chủ yếu dựa vào thang máy, sau khi xảy ra hoả hoạn thường phải ngừng vì nguồn điện bị cắt, khiến cho các đường dùng để sơ tán bị giảm, mà chiều của dòng người sơ tán lại ngược chiều với nhân viên chữa cháy, nên thường gây ùn tắc.

Do đó có thể thấy, hoả hoạn xảy ra ở các toà nhà chọc trời quả là một điều rất đáng sợ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ