Các kiến trúc cao tầng, đặc biệt là kiến trúc siêu cao thường dùng phương pháp kết cấu hai khối ống trong và ngoài để chống gió và chống động đất. Bên trong dùng khối ống gồm nhiều gầm (giếng) cầu thang máy hợp thành, bên ngoài là khối ống theo hình thức khung sườn chịu lực, mặt ngoài của công trình có thể nhìn thấy nhiều khung thép đan chéo nhau, trông không đẹp mắt. Toà nhà văn phòng làm việc của Công ty cơ khí thương nghiệp quốc tế Pigbao của Mỹ, toàn bộ tường ngoài ở bốn chung quanh đều là các ô nhỏ đan xen nhau, các ô này dùng cấu kiện bêtông cốt thép hình chữ X có quy cách như nhau hợp thành. Nhìn lên, mặt ngoài của công trình kiến trúc giống như có treo một bức màn (mành) có hình ô vuông. Cấu tạo như vậy ngoài tác dụng chống gió và chống động đất ra, chủ yếu là để đỡ trọng lượng do các sàn gác truyền xuống. Sàn của mỗi tầng đều đặt trên màn có hình ô vuông, nó có tác dụng như một bức tường ngoài chịu tải, có người gọi đó là “tường chịu tải kiểu mới” hay “tường bao chịu tải”. Trong các kiểu kiến trúc truyền thống thì cột khung sườn trong nằm ở bên trong, còn tường kính lấy ánh sáng thì ở bên ngoài, nhưng màn tường chịu tải thì ngược lại: Kết cấu chịu tải nằm ở bên trong, có lúc tường kính cách tường bao chịu tải đến 0,7-1 m.
Toà nhà Ngân hàng Lambert ở Bruxelles, Bỉ, tường bao chịu tải dùng hình thức ô chữ thập, mỗi cấu kiện bêtông cốt thép hình chữ thập rộng 6,4 m, chiều cao bằng chiều cao của một tầng lầu.
Công trình kiến trúc của tường bao chịu tải, nhìn bên ngoài trông tinh tế, mới lạ và đẹp đẽ; hơn nữa, sau khi chuyển kết cấu chịu tải ra bên ngoài, thì ở bên trong, ngoài hầm cầu thang máy và cột ra, khoảng không gian tầm nhìn thoáng rộng, khi sử dụng, bố trí linh hoạt, phân cách thoải mái. Ngoài ra, sau khi dời cột thép hoặc cột bêtông cốt thép chịu lực ra bên ngoài, thì tính an toàn về phòng cháy của công trình kiến trúc cũng được tăng lên một cách tương ứng.