Tại sao cần xây dựng kiến trúc kim tự tháp ngược?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Kiến trúc kiểu kim tự tháp đã có từ xa xưa, còn kiến trúc kim tự tháp ngược là một hình thức kiến trúc hiện đại, nó là một phương thức tạo hình có diện tích phần dưới của kiến trúc nhỏ và lên trên thì to dần ra, tương tự như đặt ngược kim tự tháp kiểu bậc thềm vậy.

Nguyên nhân chủ yếu khiến cho người ta xây dựng kiến trúc kiểu kim tự tháp ngược là diện tích đất xây dựng nền có hạn do đó chỉ có thể tận dụng khoảng không gian ở bên trên để tăng diện tích kiến trúc cần thiết. Có trường hợp hình thức kim tự tháp ngược cũng có thể xuất phát từ nhu cầu sử dụng mà trở thành một kiến trúc lý tưởng, Viện bảo tàng Huytny ở New York của Mỹ được xây dựng như vậy. Ngoài ra do sự phát triển nhanh chóng của các thành phố lớn hiện đại, giá đất cao, để tiết kiệm sử dụng hoặc dùng làm gara ô tô, trồng cây xanh, v.v. xây dựng kiến trúc kiểu kim tự tháp ngược là một trong những phương pháp giải quyết lý tưởng.

So với các hình thức kiến trúc khác, hình dáng bên ngoài của kiến trúc kim tự tháp ngược thật mới lạ, làm cho người ta chú ý. Phòng trưng bày của Viện bảo tàng Cugenham ở New York, Mỹ là một kiến trúc kim tự tháp ngược hình tròn, diện tích mặt sàn chỉ rộng 50 m, dài 70 m, hành lang tham quan phòng trưng bày có dạng xoắn ốc, dài đến 430 m, khách tham quan đi thang máy lên đến đỉnh nhà sau đó đi tham quan từ trên xuống dưới dọc theo hành lang dốc xuống, không cảm thấy mệt mỏi. Kiến trúc này xây dựng năm 1959, là một tác phẩm lừng danh do kiến trúc sư nổi tiếng Wright thiết kế, dù là thiết kế bên ngoài hay bên trong, đều được tán thưởng bởi những sáng tạo đặc sắc mới mẻ của nó.

Viện bảo tàng của cung điện Louvre ở Pari (Pháp), trong quá trình mở rộng công trình ngầm ở dưới đất, trên đường ngầm thông tới trước phòng lớn Napôlêông, các kiến trúc sư đã thiết kế một mái nhà hình kim tự tháp ngược bằng kính để lấy ánh sáng, phối hợp hài hòa với việc thiết kế hình kim tự tháp ở cửa vào. Việc thiết kế hình kim tự tháp ngược, đã gây hiệu quả thị giác rất tốt, giống như gắn một viên đá quý phát sáng to lớn ở trên trần nhà vậy, người thiết kế là kiến trúc sư nổi tiếng Bối Duật Minh (người gốc Hoa). Ông còn thiết kế một kiến trúc kiểu kim tự tháp ngược là Toà thị chính thành phố Dallas của Mỹ, chiều rộng của mặt chính của kiến trúc này là 170 m, cao 61 m, góc nghiêng về phía trước đạt đến 34o, dùng một nhóm dây cáp thép có cường độ cao bố trí ở trên tầng cao nhất để kéo giữ khung giá xà và cột nghiêng ra phía ngoài, kiến trúc kiểu kim tự tháp ngược có thể che nắng cho các cửa ở mặt chính diện. Thành phố Dallas ở miền Nam nóng bức về mùa hè với toà nhà này đã có được hiệu quả tiết kiệm nguồn năng lượng rất tốt.

Sự phát triển nhanh chóng của các thành phố lớn hiện đại hoá, giá đất ngày càng cao, xây dựng kiến trúc kiểu kim tự tháp ngược có thể tiết kiệm diện tích dùng đất một cách có hiệu quả, để làm bãi đỗ ô tô và dải trồng cây cần thiết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ