Nhà ở là nơi con người chủ yếu sinh sống, làm việc và học tập. Theo thống kê, con người dành khoảng 90% thời gian sinh hoạt ở trong nhà. Do đó, môi trường sạch sẽ bên trong nhà có quan hệ mật thiết đến sức khoẻ con người. Tuy nhiên, không ít các công trình kiến trúc hiện đại tuy trang trí rất hào hoa, dễ chịu, nhưng chất lượng không khí bên trong nhà lại rất kém. Qua điều tra phát hiện, không khí bên trong nhà có thể tìm thấy hơn 500 chất độc hại, cao gấp mấy chục lần so với không khí ở ngoài nhà. Đồng thời còn phát hiện con người thường mắc các chứng bệnh về mắt, mũi, họng cảm thấy khô khó chịu, đau đầu, mỏi mệt v.v. Tìm hiểu nguyên nhân, người ta thấy rằng vật liệu xây dựng và trang trí là căn nguyên chủ yếu làm ô nhiễm không khí bên trong nhà.
Chất sơn trên các đồ gia dụng và sàn nhà, sơn quét tường cũng như các tấm thảm lát nhà, giấy dán tường, trần nhà bằng nhựa v.v. đều có thể toả ra các hợp chất hữu cơ dễ bốc hơi, do đó ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Nhựa ure foocmanđehyt là một sản phẩm hoá chất dùng để che phủ tường vách, nó có thể làm cho nhà ở có tính năng cách nhiệt tốt. Tuy nhiên, loại nhựa này khi chịu nhiệt có thể sản sinh ra chất khí foocmanđehyt, khi nồng độ của nó đạt đến 0,00001% thì phổi của ta cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, trong các vật liệu xây dựng trước kia như bêtông và một số loại khác thường có nguyên tố có tính phóng xạ tự nhiên rađon và các chất phân rã của nó như chì 218 v.v. Các chất này sẽ làm cho con người bị đe doạ bởi bức xạ mà không hề hay biết, làm cho sức miễn dịch giảm, biểu hiện các triệu chứng như ho, đầu óc mơ màng, buồn nôn, v.v.
Do ảnh hưởng của phong trào bảo vệ môi trường toàn cầu, kỹ thuật xanh cũng dần dần thâm nhập vào kiến trúc nhà ở. Các nhà khoa học qua nhiều lần nghiên cứu, đã cho ra đời một kiểu “nhà ở không hoá học” kiểu mới, không có hại cho con người: khi gia công vật liệu làm sàn lầu đã loại bỏ các hoá chất phòng chống mối như photpho hữu cơ v.v. thay vào đó người ta dùng các vật liệu thiên nhiên có hiệu quả phòng trừ mối mọt như gỗ hấp khô, sáp mật ong, dùng nước quả hồng chát và đường cát trộn thành “chất sơn sinh thái” kiểu mới, để thay cho sản phẩm hoá dầu vốn hay dùng trước đây; Khi chọn vật liệu xây dựng, không những dùng các vật liệu thiên nhiên vô hại, bằng gỗ và đá, mà còn chú trọng chọn dùng vật liệu có thể tái sinh và vật liệu tổng hợp chế tạo bằng các phế liệu. Nhà ở không hoá học như vậy, về tầm vĩ mô thì phù hợp với quan điểm phát triển lâu dài, còn về tầm vi mô thì lại làm cho người cư trú có được cảm giác trở về với thiên nhiên, do đó nó có triển vọng ứng dụng rất thực tế.