Xe việt dã ở địa cực có gì khác với xe thông thường?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

“Tiến hành khảo sát khoa học ở hai cực của Trái Đất là một bước rất quan trọng và rất khó khăn của con người trong quá trình thăm dò môi trường sinh sống của mình. Địa cực, đối với đại đa số con người mà nói, là một khái niệm rất xa xôi và mơ hồ, nhưng đối với những người làm công tác khoa học, thì tài nguyên tiềm tàng của địa cực và ảnh hưởng của nó đối với môi trường toàn cầu và nhiều mặt khác, là một trong những lĩnh vực quan trọng, đòi hỏi phải khảo sát tìm hiểu.

Muốn tiến hành khảo sát khoa học đối với địa cực, vấn đề gặp phải đầu tiên là phương tiện giao thông. Tuy rằng tàu phá băng có thể phá lớp băng rất dày, đưa nhà khảo sát lên lục địa Nam Cực, nhưng từ ven bờ lục địa Nam Cực vượt qua một vùng mênh mông không bờ không bến, quanh năm phủ đầy băng tuyết, đi sâu vào trung tâm địa cực, nếu không có phương tiện giao thông thích hợp thì rõ ràng là không thể thực hiện được. Đi máy bay tuy có thể bay trực tiếp đến nội địa Nam Cực, nhưng muốn tiến hành hoạt động khảo sát khoa học trong phạm vi rộng thì cần phải có một loại phương tiện giao thông đặc biệt.

Nhiều người đều biết rằng, những ô tô thông thường khi chạy trên mặt đường bằng tuyết, vì lực ma sát quá nhỏ, bánh xe thường quay trơn (bị patinê), do đó rất khó tiến lên. Xe trượt tuyết là một phương tiện giao thông truyền thống để đi trên tuyết, nó được dùng rộng rãi ở những vùng giá rét, nhưng xe trượt tuyết cần phải dùng chó hoặc hươu để kéo, chở người chở hàng hoá rất hạn chế, tốc độ cũng chậm, rõ ràng là không thể thoả mãn nhu cầu khảo sát khoa học với quy mô lớn. Vậy thì có thể có một loại phương tiện giao thông và vận chuyển tốt hơn ở vùng địa cực không?

Các nhà khoa học qua nhiều lần nghiên cứu và thực nghiệm, đã thiết kế và chế tạo một loại xe việt dã ở địa cực mới nhất. So với loại ô tô thông thường, đặc điểm lớn nhất của xe việt dã địa cực là bộ phận “”bánh xe”” đã được thay đổi một cách căn bản. Các nhà khoa học qua nghiên cứu cơ thể của loài chim cánh cụt và báo biển sống ở vùng địa cực đã có sự gợi ý: Con chim cánh cụt bình thường đi lại loạng choạng, lạch bạch, có khi nằm bò xuống, dùng hai cánh đã thoái hoá phối hợp với đôi bàn chân có màng, dùng lực đạp lên băng tuyết, làm cho cơ thể trượt nhanh chóng ở trên băng tuyết; còn con báo biển trông rất phục phịch nặng nề, nhưng nhờ có có bốn bộ chân vây, báo biển có thể dễ dàng bám vào mặt băng và trượt đi một cách linh hoạt. Do đó hệ thống di chuyển của xe việt dã ở địa cực được thiết kế kiểu bánh xe rất đặc biệt, nó gần giống như bàn chân, lại giống như xích xe tăng. Khi di chuyển, gầm xe bám sát mặt băng, bánh xe quay rất nhanh, không ngừng “”xới”” lớp băng tuyết, khiến cho xe tiến lên phía trước. Phương thức di chuyển này khác với việc trượt trên mặt băng đơn giản, bởi vì thông qua cơ cấu điều khiển, nó có thể quay vòng và thay đổi tốc độ một cách linh hoạt, chính xác.

Hiện nay, các xe việt dã ở địa cực có tính năng khá tốt, tốc độ đã đạt đến 50 km/h. Điều đó khiến cho công tác khảo sát địa cực có được cơ sở giao thông và vận chuyển rất tốt.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ