Các lục địa trên Trái Đất từ đâu mà có?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Địa hình Trái Đất chúng ta có hai sự khác biệt rõ ràng: đó là lục địa và biển. Trong đó diện tích lục địa chiếm khoảng 29% diện tích biển chiếm 71%. Vậy lục địa từ đâu mà có? Tức là nói Trái Đất vì sao lại chia thành lục địa và biển?

Về vấn đề này vẫn còn nhiều bí mật chưa được làm sáng tỏ. Các nhà khoa học còn tồn tại những quan điểm khác nhau.

Đại bộ phận cho rằng: Trái Đất ở thời kỳ hình thành ban đầu, độ cao các vùng cơ bản như nhau, không phân chia lục địa và biển. Hơn nữa Trái Đất ở thời kỳ ban đầu còn tương đối nóng bỏng. Vì vậy nó chỉ là một lớp vỏ mỏng bên ngoài. Ngoài vỏ Trái Đất được phủ một lớp nước, tức là nói Trái Đất hồi đó có biển bao quanh toàn bộ. Về sau cùng với thời gian Trái Đất không ngừng nguội đi và gây ra sự co ngót ở một mức độ nhất định. Kết quả của sự co lại khiến cho bề mặt Trái Đất sinh ra lồi lõm, điều đó cũng giống như quả táo bị khô, trên bề mặt xuất hiện những nếp nhăn lồi lõm. Sự co ngót còn khiến cho vỏ Trái Đất bị nứt vỡ, do đó những chất lỏng nóng bỏng trong lòng đất phun ra theo các vết nứt. Lâu ngày, đá macma phun ra này càng chất cao, cuối cùng hình thành đảo núi lửa nguyên thủy trên biển. Căn cứ sự phân bố nham thạch cổ xưa nhất mà ngày nay biết được thì các đảo lục địa ban đầu phân bố ở miền Tây Châu Úc, miền Tây Nam Cực và miền Nam châu Phi.

Sau khi các đảo xuất hiện, dẫn đến phong hoá, xâm thực ngày càng mạnh. Những vật bị vụn nát do phong hoá và xâm thực được vận chuyển đến chung quanh đảo và trầm tích lại hình thành tầng trầm tích xa xưa nhất. Về sau cùng với sự diễn biến của vỏ Trái Đất, bãi biển biến thành nương dâu. Những tầng trầm tích sớm nhất này cũng nổi dần lên khỏi mặt biển, khiến cho diện tích đảo lục không ngừng mở rộng, trong đó có một số đảo nằm gần nhau, nhờ không ngừng mở rộng nên cuối cùng kết liền nhau thành lục địa.

Đương nhiên sự hình thành lục địa không phải luôn phát triển theo hướng từ nhỏ thành lớn. Có một số lục địa tương đối lớn có khi vì sự diễn biến của Trái Đất mà phân chia thành một số mảng nhỏ. Có một số thậm chí vì vẫn thạch va đập mạnh mà chuyển thành những hố lồi lõm, bị biển nhấn chìm trở lại.
Đặc biệt là sau khi phát sinh chuyển động mảng, giữa các lục địa vì trôi dạt, va chạm mà ghép thành một mảng ví dụ đại lục mới của Ấn Độ, đó là thông qua tác dụng này mà hình thành, nối liền với lục địa châu Á. Ngược lại có những lục địa vì nứt vỡ, trôi dạt mà biến thành hình dạng như ngày nay.

Điều đáng nói là quan điểm hình thành lục địa trên đây không phải là lý luận duy nhất dùng để giải thích nguồn gốc của lục địa. Cùng với hoạt động khám phá Vũ Trụ của con người ngày càng đi sâu, ngày nay người ta đã thu được nhiều gợi ý mới từ các hiện tượng địa chất của các thiên thể khác, đặc biệt là từ sự tồn tại những hố lớn của vẫn thạch ở các thiên thể trong vũ trụ, khiến cho một số nhà nghiên cứu cho rằng: Sự hình thành của lục địa và biển không giống như cách nói trên đây. Biển ban đầu đã có, còn lục địa về sau mới sinh ra, cũng có thể lục địa ban đầu đã có, còn biển là do những hố về sau vẫn thạch va chạm mà hình thành và phát triển lên.

Về vấn đề này ta còn phải chờ kết quả của các nghiên cứu sâu hơn nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ