Vì sao khi triều lạnh mới đến có lúc mưa hoặc tuyết rơi, nhưng có lúc trời trong sáng?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

“Mỗi lần không khí lạnh từ phương Bắc tràn xuống phương Nam, gặp không khí nóng ở đó thì thời tiết thường phát sinh biến đổi. Có lúc không khí lạnh vừa đến thời tiết lập tức từ trong sáng biến thành nhiều mây và âm u, sau đó mưa, có lúc còn có tuyết rơi, có lúc cùng với đợt không khí lạnh đến, trời đầy mây, chớp giật và sấm đùng đùng, mưa như trút nước, có lúc hoàn toàn ngược lại, chỉ nghe thấy gió tây bắc thổi ù ù, nhưng trên trời không hề có một áng mây, trời trong muôn dặm. Ở phương Bắc Trung Quốc khi gió lạnh đến có lúc gió cát đầy trời, che hết cả nắng.

Vì sao đều là gió lạnh tràn về nhưng thời tiết lại khác nhau như thế? Điều đó có liên quan với không khí có ẩm ướt hay không, có ổn định hay không, cũng như cường độ không khí lạnh ra sao và nhiệt độ mặt đất như thế nào.

Ảnh hưởng không khí ấm ở Trung Quốc phần nhiều đến từ biển phương Nam. Trên đường đi nó đã thu hút hơi nước bão hòa từ biển bốc lên, nếu gặp không khí lạnh miền Bắc thì hai bên sẽ xung đột nhau. Kết quả không khí lạnh nặng hơn chìm phía dưới không khí ấm, làm cho không khí ấm nằm bên trên. Lớp không khí ấm bị nâng cao cách mặt đất mấy cây số bèn hình thành mây và mưa. Sở dĩ như thế là vì khi không khí ấm bị nâng cao mấy km thì nhiệt độ hạ thấp đến dưới 0°C, hơi nước ngưng kết thành mưa hay tuyết. Tuyết rơi xuống có giữ nguyên được bông tuyết hay không còn phải xem nhiệt độ của lớp không khí lạnh trên mặt đất như thế nào. Nếu nhiệt độ dưới 0°C thì những bông tuyết vẫn giữ nguyên hiện trạng. Ngược lại nó sẽ tan thành nước và biến thành mưa.

Cũng có lúc luồng không khí ấm đến từ lục địa khô ráo, nên rất ít hơi nước. Nếu không khí lạnh đỡ lớp không khí ấm lên thì đương nhiên sẽ không có mây và trời trong vạn dặm. Có lúc không khí lạnh gặp không khí ấm, nhiệt độ tăng cao làm thay đổi tính chất ban đầu, nhưng vì có đợt không khí lạnh, khô ráo mới tiếp tục tràn xuống nên nó hoàn toàn biến thành không khí nóng. Hai luồng không khí lạnh này gặp nhau không thể sản sinh mưa hay tuyết được, chỉ có thể là trời trong và có gió thổi. Nếu luồng gió lạnh rất mạnh, trước khi đổ bộ vào Trung Quốc nó tràn qua sa mạc vùng tây bắc thì sẽ thổi cát bụi lên bầu trời. Do đó vùng phương Bắc Trung Quốc những chỗ không khí lạnh tràn xuống, cát bụi vàng cả bầu trời.

Khi không khí lạnh tràn đến có sấm, chớp, thậm chí cả mưa giông hay không, điều đó còn phải xem không khí ấm ổn định đến mức nào. Nếu không ổn định thì chỉ cần bị không khí lạnh nâng lên nó đã tự động bốc cao như khinh khí cầu bị đứt dây. Trong vận động đi lên mãnh liệt đó sẽ hình thành những đám mây giông. Nếu lớp không khí ấm rất ổn định thì chỉ dưới sự xô đẩy liên tục của lớp không khí lạnh nó mới nâng lên một cách chậm chạp. Trường hợp sức nâng lên của không khí lạnh yếu ớt, lớp không khí nóng lại trở về vị trí cũ, cho nên mưa giông sẽ không hình thành. Do đó khi không khí lạnh tràn về phương Nam, có lúc có mưa giông, có lúc không có.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ