Vì sao rải cáp và cáp quang xuống đáy biển?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Từ xưa đến nay người ta luôn tìm cách truyền thông tin nhanh nhất và tiện lợi, giống như phương pháp đánh trống, đốt lửa gây khói, viết thư là những hình thức đã từng dùng. Năm 1837, Moocxơ người Mỹ phát minh máy điện báo, từ đó xã hội con người bước vào thời đại điện tín. Trên dây điện các loại thông tin được truyền đi với tốc độ 30 vạn km/s. Nhưng con người vẫn bị biển khơi cách trở, không được hưởng những phương tiện này một cách nhanh chóng. Để thay đổi tình trạng đó, năm 1858 người ta đã rải một đường cáp biển đầu tiên trên thế giới giữa châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời hai nước Anh và Đức cũng đặt đường cáp điện. Từ đó thông tin giữa các nước phương Tây đã thực hiện được giấc mơ “Chân trời góc biển là láng giềng”.

Năm 1866, nước Anh đặt một đường cáp điện xuống đáy biển Đại Tây Dương nối liền hai nước Anh – Mỹ. Đường cáp này dài 3.745 km, thời gian lắp đặt chỉ 13 ngày đã làm chấn động thế giới. So với đường cáp trên đất liền thì đường cáp dưới biển có nhiều ưu điểm: một là thời gian rải cáp không cần đào rãnh hoặc cột đỡ, nên đầu tư ít, tốc độ xây dựng nhanh, hai là ngoài đoạn trên đất liền ra, phần lớn đường cáp dưới biển đều nằm dưới sâu không bị sóng gió, môi trường tự nhiên, hoạt động của con người làm nhiễu loạn hoặc phá hoại, nên độ an toàn cao, ổn định, kháng nhiễu tốt và bảo đảm bí mật.

Năm 1876 sau khi Bell phát minh ra điện thoại, cáp đáy biển cộng thêm với nội dung mới, các nước đã tăng nhanh việc rải cáp điện. Năm 1902 xây dựng đường cáp biển thông tin chung toàn cầu. Việc trải cáp biển của Trung Quốc bắt đầu tương đối muộn, tháng 10 năm 1976 khai thông đường cáp điện giữa cảng Hồ Triệu huyện Nam Hội, Thượng Hải với Nhật Bản, đồng thời khai thông 480 đường dây điện thoại.

Năm 1960 máy laze đầu tiên trên thế giới ra đời, con người bắt đầu dùng năng lượng laze để truyền thông tin trong cáp quang. Vì cáp quang có dung lượng lớn, thông tin đi xa, tính bảo mật cao, kháng nhiễu tốt, do đó phát triển nhanh chóng. Ngày nay trên thế giới có 32 quốc gia và khu vực thông qua cáp quang đáy biển xây dựng mạng lưới thông tin toàn cầu vô cùng hiện đại, có thể đồng thời tiến hành 32 vạn cuộc nói chuyện và truyền các số liệu số.

Thông tin cáp quang đáy biển ở Trung Quốc cũng được phát triển nhanh chóng. Năm 1993 Trung – Nhật xây dựng thành công hệ thống cáp quang biển, có thể trao đổi điện thoại trên 7.560 đường dây. Năm 1997, ở Nam Hội, Thượng Hải lại xây dựng một đường cáp quang Hoàng Cầu (FLAG) nối thông với 12 quốc gia trên thế giới, có thể nói chuyện điện thoại trên 12 vạn đường dây. Ngày nay Trung Quốc bắt đầu xây dựng hai đường cáp quang giữa Trung – Mỹ và Á – Âu, tổng lượng thông tin có thể tăng đến 1,32 triệu đường dây, sẽ trở thành thời kỳ mới về thông tin cáp quang của Trung Quốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ