Mọi người đều biết con giun sống dưới đất, chúng bò rất chậm, hằng ngày đi chẳng được là bao. Nhưng cuối thế kỷ XIX các nhà khoa học phát hiện một loài gọi là “giun dương”. Không những chúng có rất nhiều ở lục địa Âu – Á mà cả trên bờ biển phía đông châu Mỹ, nhưng ở bờ biển phía tây châu Mỹ lại không tìm thấy. Điều đó có thể giun dương trên bờ biển đông châu Mỹ có mối quan hệ nào đó với loại giun dương ở bờ biển phía tây của lục địa Âu – Á. Song những con giun này chỉ có thể chui trong đất, vì sao nó lại có thể vượt qua đại dương mênh mông như thế mà lan truyền được? Điều đó không thể không khiến cho nhiều nhà khoa học đương thời phải tìm cách giải thích.
Mùa thu năm 1911, nhà khoa học trẻ người Đức A. Wegener đọc một tác phẩm của Mikhaitơn viết, trong sách đưa ra điều kỳ lạ về sự phân bố của loài giun này. Những điều mà Mikhaitơn miêu tả khiến cho A. Wegener nhớ lại nhiều năm trước, khi xem bản đồ đã chú ý đến một hiện tượng: bờ biển phía tây châu Phi và bờ biển phía đông nam Mỹ rất giống nhau, chỗ lồi ra của lục địa ăn khớp với chỗ lõm tương ứng. Điều đó khiến cho ông phán đoán lục địa hai bờ của Đại Tây Dương có thể vốn là một mảnh liền nhau, về sau do trôi nổi bị phá vỡ mà phân chia ra không? Nếu quả đúng như thế thì những câu hỏi về loài giun dương vượt qua Đại Tây Dương sẽ được giải đáp dễ dàng. Sau này ông đi theo ý nghĩ đó để tiến hành nghiên cứu, cuối cùng năm 1915 công bố “Lý thuyết lục địa trôi”.
Ông cho rằng từ thời xa xưa Trái Đất chỉ có một lục địa, gọi là toàn lục địa (Pangaea), bao vây chung quanh lục địa này là biển, gọi là đại dương thế gới (Panthlassa). Khoảng 200 triệu năm trước, Trái Đất phát sinh một lần biến động lớn khiến cho toàn lục địa nứt vỡ. Những mảng vỡ ra chịu ảnh hưởng tự quay của Trái Đất và sức hút của nhiều thiên thể khác, nên trôi nổi trên mặt biển như con tàu. Cách đây 2 – 3 triệu năm về trước những lục địa trôi nổi này trôi đến vị trí như ngày nay, hình thành nên 7 châu, 4 biển như hiện tại.
Sau khi thuyết lục địa trôi được công bố, bị rất nhiều người phản đối, vì người ta không thể tưởng tượng nổi đại lục to như thế làm sao lại có thể trôi nổi được? Ngoài ra vì lý luận của Wegener bị hạn chế bởi trình độ nghiên cứu vốn đang tồn tại nhiều lỗ hổng hồi đó, đặc biệt là năm 1930 khi Wegener lần thứ tư đến Kơlanglan ở Nam Cực để khảo sát không may bị tai nạn, khiến cho lý luận này mất đi người đề xướng chủ yếu, do đó bị người đời lãng quên đi. Nhưng đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX, cùng với nhiều quan trắc thực tế tích luỹ được, khiến cho thuyết lục địa trôi một lần nữa được sống lại. Ngày nay thông qua vệ tinh đo đạc chính xác, người ta đã chứng thực được: Đại Tây Dương hằng năm mở rộng với tốc độ 1,5 cm, quần đảo Hawai trên Thái Bình Dương hằng năm với tốc độ bình quân 5,1 cm xích gần vào lục địa Nam, Bắc Mỹ, còn châu Úc và châu Mỹ đang tách xa nhau với tốc độ 1 cm hằng năm… Có thể nói ngày nay hầu như không còn nhà địa chất nào phản đối thuyết lục địa trôi nữa.