Hang động được hình thành như thế nào?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Ai đã từng một lần đi thăm những hang động như ở Vịnh Hạ Long hay Phong Nha-Kẻ Bảng đều không thể quên được những cột đá, măng đá, nhũ đá muôn hình vạn trạng, không thể quên được những con đường ngoằn nghèo, uốn khúc, thâm u và nhiều huyền bí. Vậy những hang động đẹp như mơ này được hình thành như thế nào?

Trước đây người ta cho rằng, những hang động này là kết quả của quá trình xâm thực và lắng xuống của nước. Cấu tạo hang động phần lớn là đá vôi, rất chắc chắn, nhưng vì bị ngâm lâu ngày trong nước nên đã hòa tan một phần các chất chứa trong đá này. Đặc biệt là khi trong nước chứa thành phần cacbonic (mưa axit), quá trình hòa tan trên bề mặt đá sẽ diễn ra nhanh hơn. Cứ thế, hết năm này qua năm khác, tầng đá vôi kiên cố đó bị bào mòn thành động. Và rồi, khi canxi cacbonnat hòa tan trong nước tiếp tục chảy vào động, do sự thay đổi về áp suất và nhiệt độ, cacbonic bị tách ra khỏi nước, khả năng hòa tan canxi giảm xuống, canxi lắng xuống theo dòng chảy. Cứ thế, lâu dần, tạo thành cột đá, măng đá, nhũ đá với nhiều hình dạng vô cùng kì thú.

Quan điểm truyền thống này gần đây đã bị các nhà khoa học Trung Quốc xem xét lại. Qua 5 năm quan sát, nghiên cứu về hang động, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ra rằng, sự hình thành của hang động liên quan mật thiết tới sinh vật tảo, từ đó đưa ra một lý luận mới về sự hình thành hanh động – học thuyết kiến tạo sinh vật.

Học thuyết kiến tạo sinh vật cho rằng, tảo là sinh vật xuất hiện sớm nhất trên Trái Đất, là thực vật bậc thấp còn phân bố rộng rãi cho đến tận ngày nay. Tảo là sinh vật tự dưỡng và có đặc điểm quang hợp. Quá trình sinh trưởng của tảo sẽ tiết ra cacbonnat canxi, thu thập, kết dính những hạt canxi li ti. Đồng thời, do sống thành quần thể, rất nhiều loài tảo hết đời này sang đời khác sống chung với nhau, hình thành rất nhiều san hô. Hình dạng nhũ đá trong động phát triển là dựa theo độ tiếp sáng của đá, điều này lại hoàn toàn trùng khớp với đặc điểm sống của tảo. Cấu tạo bên trong của nhũ đá, măng đá cũng là những vòng tròn giống như vân gỗ ở thân cây. Ngoài ra, ở một số hang động đá vôi, người ta còn tìm thấy kết cấu hóa thạch giống như của một số loài sinh vật tảo cổ đại; và ở bề mặt một số các hang động vẫn thấy rất nhiều sinh vật tảo.

Tóm lại, theo học thuyết kiến tạo sinh vật, tuy sự hình thành các hang động đá vôi có liên quan tới nước, nhưng sự hình thành của nhũ đá, măng đá, cột đá vô cùng sống động trong hang thì lại liên quan chủ yếu tới sinh vật tảo trong quá trình kiến tạo địa chất hàng triệu năm, tiếp đó dưới tác dụng hóa thạch, các hang động mới có được diện mạo kỳ thú như ngày nay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ