Trái Đất ta sống là một quả cầu to lớn, diện tích bề mặt của nó khoảng 510 triệu km2. Trên biển khơi mênh mông chiếm khoảng 360 triệu km2. Trên biển khơi mênh mông đó, sóng dữ dội, cuồng phong, bí hiểm khôn lường, thu hút nhiều nhà thám hiểm đến khảo sát.
Khảo sát biển sớm nhất là thuyền buồm vận tải, nó lấy gió làm động lực. Về sau phát minh tàu biển, phạm vi khảo sát không ngừng được mở rộng. Ngày 4 tháng 10 năm 1957 Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên, từ đó con người nghiên cứu biển lại có thêm một công cụ tiên tiến.
Vệ tinh cảm nhận từ xa (viễn thám) dùng để khảo sát biển có thể gọi là “con mắt nghìn dặm”. Nó bay ở độ cao hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng vạn km, từ trên cao nhìn xuống thấy tất cả biển trên Trái Đất. Hơn nữa nó bay nhanh quanh Trái Đất, đồng bộ với sự vận hành của Trái Đất, do đó có thể nắm vững tình hình biển đổi của biển bất cứ lúc nào.
Trên vệ tinh cảm nhận từ xa (viễn thám) được trang bị nhiều thiết bị thăm dò tiên tiến, ví dụ hệ thống thăm dò bằng ánh sáng thấy được, hệ thống thăm dò hồng ngoại và hệ thống thăm dò vi sóng, v.v. có thể dùng để thăm dò tình trạng bề mặt biển.
Hệ thống thăm dò bằng ánh sáng gồm có máy chụp ảnh vô tuyến và phân tích quang phổ, có thể thăm dò tình trạng của mặt biển, sự phân bố diệp lục tố, phân bố bùn cát, tình trạng ô nhiễm, phân bố nước biển và các đàn cá bề mặt.
Hệ thống thăm dò hồng ngoại có thể tiếp thu bức xạ hồng ngoại và quang phổ hồng ngoại, có thể tìm hiểu hiện trạng nhiệt độ nước bề mặt, các dòng hải lưu và sự phân bố băng trên biển.
Hệ thống thăm dò vi ba lắp đặt các máy bức xạ, tán xạ và ra đa ở độ cao, có thể thăm dò sóng, thuỷ triều, độ cao mặt biển và tốc độ các dòng hải lưu, nhiệt độ nước biển và gió mặt biển.
Những số liệu mà vệ tinh cảm nhận từ xa nhận được rất có ích cho giao thông hàng hải, sản xuất ngư nghiệp và bảo vệ môi trường biển. Tình trạng mặt biển, sóng cao, gió, băng và các dòng hải lưu đo được sẽ là những căn cứ để chỉ huy tàu biển quyết định hướng đi. Sự phân bố của diệp lục tố, nhiệt độ nước biển và các dòng hải lưu đo được là căn cứ để phán đoán sự phân bố của các đàn cá, rất có ích cho việc nâng cao sản lượng ngư nghiệp. Đo đạc ô nhiễm dầu mỏ, ô nhiễm hoá học và sự phân bố các vùng triều đỏ, có thể giúp con người kịp thời khống chế ô nhiễm và giảm thấp các tổn thất.
Ngoài ra kết quả đo đạc của vệ tinh cảm nhận từ xa còn có giá trị nghiên cứu đối với khoa học biển.
Đương nhiên kĩ thuật vệ tinh cảm nhận từ xa chuyên nghiên cứu biển yêu cầu rất cao, bởi vì trong những thông tin mà các thiết bị từ vệ tinh nhận được, nhiều con số bị thời tiết gây nhiễu, những thông tin chính xác là rất có hạn. Do đó các thiết bị thăm dò của vệ tinh cần phải có độ nhạy cảm cao và năng lực xử lý các số liệu.
Ngày nay những vệ tinh cảm nhận từ xa chuyên nghiên cứu về biển không nhiều. Chỉ có Mỹ và một số ít nước có loại vệ tinh này. Loại vệ tinh này nghiên cứu nước biển, nghiên cứu các vật trôi nổi trên biển, diệp lục tố, nhiệt độ nước biển, ô nhiễm và triều đỏ để giám sát có hiệu quả tốt môi trường, từ đó mà bảo vệ tài sản nguyên sinh vật biển, làm căn cứ để định ra những quyết sách về khai thác biển và duy trì phát triển quy hoạch biển.