Mở một trang bản đồ hoặc quay quả Địa Cầu đặt bàn, bạn sẽ thấy trên đó có những đường vạch ngang dọc rất quy chuẩn. Có đường là thẳng, có đường cong, đó là các đường vĩ và kinh tuyến.
Công dụng của chúng rất lớn. Chỉ cần định ra kinh tuyến và vĩ tuyến là có thể biểu thị một cách thuận lợi bất cứ vị trí của điểm nào trên Trái Đất. Đặc biệt khi đi tàu trên biển mênh mông hoặc trên sa mạc, bay trên rừng rậm, nếu muốn xác định một cách chính xác vị trí của mình đang ở đâu thì càng phải dùng đến kinh và vĩ tuyến.
Các đường kinh, vĩ tuyến được xác định như thế nào?
Như ta đã biết, Trái Đất quay quanh trục của mình. Trục của Trái Đất là một đường thẳng nối liền hai cực nam – bắc xuyên qua trung tâm. Nếu ta dùng một mặt phẳng cắt vuông góc với trục Trái Đất ở giữa thì sẽ giống như ta cắt quả dưa hấu làm đôi, được Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Giao tuyến của mặt phẳng này với mặt Trái Đất là một đường tròn, nó là vòng tròn lớn nhất của Trái Đất hoặc gọi là đường vĩ tuyến lớn nhất, trong địa lý gọi là đường xích đạo. Do đó chúng ta có thể từ đây nhìn về Bắc Cực hoặc Nam Cực. Trên Trái Đất vẽ nhiều đường song song với đường xích đạo những đường này gọi là vĩ tuyến.
Ta lấy đường xích đạo làm vĩ tuyến 0o, theo chiều nam và chiều bắc, mỗi chiều xác định đến 90o. Phía nam xích đạo gọi là vĩ độ Nam, phía bắc gọi là vĩ độ Bắc. 90o vĩ độ Bắc là Bắc Cực, 90o vĩ độ Nam là Nam Cực.
Từ Bắc Cực đến Nam Cực, trên quả cầu lại có thể vạch nhiều nửa đường tròn, đó là kinh tuyến. Nhưng những đường kinh tuyến này ban đầu được vạch như thế nào quan niệm rất không thống nhất. Đầu tiên các nước đều muốn lấy kinh tuyến đi qua thủ đô nước mình làm 0o, coi đó là khởi điểm chung cho toàn thế giới, tức là kinh độ 0o, (người Trung Quốc gọi là kinh tuyến tí – ngọ gốc). Năm 1884, Hội nghị kinh độ quốc tế ở Washington xác định đường kinh tuyến đi qua đài thiên văn Greenwich ở London – thủ đô nước Anh làm kinh độ khởi điểm chung cho toàn thế giới, tức là kinh tuyến 0o. Bắt đầu tính từ kinh tuyến này, theo các chiều đông tây, mỗi chiều 180o, hướng đông gọi là kinh độ Đông, hướng tây gọi là kinh độ Tây. Cho nên 180o kinh Đông trùng với 180o kinh tây, nói chung gọi là kinh tuyến 180o. Đường làm mốc thay đổi giờ quốc tế để phân chia thời gian trên bản đồ cơ bản là lấy đường này làm chuẩn.
Nếu người ta nói với bạn vĩ độ Bắc Kinh là 39o54’ vĩ độ Bắc, kinh độ là 116o19’ kinh Đông thì bạn có thể tìm được vị trí của Bắc Kinh trên bản đồ một cách nhanh chóng.
Ở đây có một biện pháp dùng để xác định kinh độ vĩ độ của từng vùng. Buổi tối quan sát số độ của sao Bắc Đẩu lên cao bao nhiêu so với mặt đất thì bạn có thể lấy đó là vĩ độ của vùng đó. Ví dụ ở Bắc Kinh thấy sao Bắc Đẩu cao hơn mặt đất khoảng 40o thì vĩ độ Bắc Kinh là 40o. Kinh độ có thể dùng giờ địa phương chênh lệch với giờ quốc tế để tính. Ví dụ giờ địa phương của Bắc Kinh so với giờ quốc tế sớm hơn 7 h 46 min, ta đã biết trên mặt đất cứ cách nhau 1 h thì chênh nhau 15o. Từ đó có thể tính được kinh độ Bắc Kinh là 116,5o kinh Đông.