Ban công là chi tiết không thể thiếu trong các công trình biệt thự, nhà ống vì nó có vai trò quan trọng trong công năng cũng như giúp lấy gió, lấy sáng tự nhiên cho ngôi nhà. Vậy cấu tạo sàn ban công như thế nào để đảm bảo sự bền vững cũng như tính chắc chắn, tính thẩm mĩ ?
Ban công là gì ? Đặc điểm của ban công.
Ban công là một phần của sàn gác được làm nhô ra khỏi tường ngoài nhà, có hoặc không có dầm đỡ bên dưới, có thể có mái che hoặc không có mái che bên trên. Phía trước mặt và 2 bên cạnh thoáng không xây tường chắn hoặc ban công góc thì có một bên tường xây kín do tựa vào tường cạnh. Như vậy ban công thường có 2 hoặc 3 hướng nhìn thoáng vào không gian xung quanh nhưng cấu tạo sàn ban công giống nhau. Ban công có thể trong phạm vi một phòng, dọc theo nhà hay ở góc tường.
Mặt bằng ban công có thể nhiều hình dạng khác nhau như hình chữ nhật, hình thang, hình gãy khúc, hình bán nguyệt. Ban công thường rộng 800 -1200 mm, dưới có dầm đỡ. Nếu bancông hẹp (< 800 mm) thì có thể không cần dầm đỡ. Sàn ban công có thể lát bằng nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, gạch men chống trơn…
Mục đích sử dụng ban công chủ yếu dựa vào nhu cầu gia chủ, và có rất nhiều cách, nhiều ý tưởng để sử dụng ban công.
Yêu cầu thiết kế ban công có ảnh hưởng gì đến cấu tạo sàn ban công ?
Khi thiết kế cấu tạo ban công phải đảm bảo kết cấu chịu lực tốt, đồng thời cũng đạt yêu cầu cao về sử dụng và thẩm mĩ.
Do vị trí nền sàn của ban công chịu tác động trực tiếp của bức xạ mặt trời, mưa, gió nên cấu tạo mặt sàn có yêu cầu cách nhiệt, chống thấm và thoát nước tốt. Mặt sàn phải có độ dốc nhất định (1% ÷ 2%) về phía ống thoát nước và chỗ cao nhất phải thấp hơn sàn trong nhà ít nhất là 2cm, như vậy cấu tạo sàn ban công gồm cả mặt thoát nước.
Lan can cần thông gió tốt và đảm bảo yêu cầu nghệ thuật xử lý mặt đứng công trình. Nếu ban công sử dụng mục đích phơi đồ thì cần có biện pháp thiết kế kiến trúc để che chắn cho có thẩm mỹ và vẫn đảm bảo thông thoáng.
Độ đua của ban công phụ thuộc vào lộ giới gần nhất để thiết kế sao cho không sai phạm luật pháp đồng thời phù hợp tính thẩm mĩ, tuy nhiên cấu tạo sàn ban công chỉ cần chịu lực tốt. Bên cạnh đó chiều cao lan can ban công cũng phải được đảm bảo là không quá thấp gây ra sự nguy hiểm, cần chú ý đến sự an toàn khi thiết kế chiều cao của lan ban công, đặc biệt là khi gia đình có trẻ nhỏ, thường chiều cao lan can trên 1,1m – 1,5m, đồng thời với khoảng cách của các thanh dọc của lan can ban công cũng phải được đảm bảo.
Cấu tạo sàn ban công như thế nào ?
Kết cấu chịu lực của ban công
Kết cấu chịu lực của ban công thường được cấu tạo cùng một loại vật liệu của kết cầu chịu lực của sàn như gỗ, thep, bê tông cốt thép. Hiện nay phổ biến ban công được làm bằng bê tông cốt thép toàn khối hoặc lắp ghép.
Tuỳ theo vị trí, yêu cầu sử dụng và vật liệu xây dựng mà cấu tạo sàn ban công theo 3 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Bản sàn được đỡ bởi côngxon, côngxon được liên kết ngầm với khối xây, với dầm hoặc giằng tường. Trường hợp này cần quan tâm chống lật cho bancông. Nhịp vươn ra của ban công không quá 1000.
Trường hợp 2: Bản sàn được đỡ bởi côngxon, côngxon được liên kết với khối xây hay khung sườn nhà. Tuỳ theo vật liệu mà côngxon đặt cách nhau khoảng 1000 -2000. Sàn ban công trong trường hợp này nhịp vươn ra của ban công sẽ tuỳ theo khả năng chịu lực của côngxon, khoảng 1000 – 1500, thường là 1200. Cốt thép chịu lực đặt lên phía trên, dọc theo ban công (nối với cốt thép 2 dầm) và phía dưới theo chiều rộng ban công.
Trường hợp 3: Bản sàn được đúc liền với côngxon, côngxon là kết cấu của phần sàn nhà kéo dài ra với các dầm một nhịp, có phần côngxon đưa ra khỏi mặt tường ngoài và một dầm biên kiêm đầu dầm, đồng thời chịu đỡ lan can. Sàn ban côngtrong trường hợp này nhịp vươn ra của ban công có thể theo yêu cầu sử dụng, nhưng không quá 1800. Kết cấu này thường áp dụng cho nhà khung chịu lực. Cốt thép chịu lực thường nằm ở phía dưới ban công và theo chiều rộng (ngang) là chính.
Cấu tạo mặt sàn ban công như thế nào ?
Do yêu cầu về cách nhiệt, chống thấm và tổ chức thoát nước tốt nên cấu tạo mặt sàn ban công cần được làm như mái bằng. Lớp cách nhiệt đặt trên lớp chịu lực hoặc treo vào các lớp chịu lực, vật liệu cách nhiệt thường dùng là vật liệu vô cơ rời như xỉ than, bê tông bọt khí…
Cấu tạo sàn ban công phần mặt sàn có chiều dày của lớp cách nhiệt phụ thuộc vào tính cách nhiệt của lớp giữ nhiệt. Phía trên lớp cách nhiệt là lớp cách nước ngăn nước mưa (giấy dầu matit nhiều lớp hoặc vải sợi thủy tinh quét matit bitum) và bên dưới có lớp chống ẩm.
Trong trường hợp lớp giữ nhiệt dễ bị biến dạng dưới ảnh hưởng của tải trọng thì bên trên lớp giữ nhiệt làm một lớp bê tông có tăng cường lưới thép dày 3 ÷ 5cm dùng làm nền cứng cho lớp cách nước. Các lớp cấu tạo sàn ban công phần mặt sàn phải được làm dốc về miệng hoặc máng thu nước. Lớp bảo vệ đặt trên cùng, tùy thuộc vào yêu cầu sử dụng, cấp công trình để chọn vật liệu thi công (có thể lát gạch gốm, gạch xi măng và láng vừa xi, gạch giả gỗ..)
Hiện nay sàn ban công bê tông cốt thép phổ biến hơn cả và cấu tạo sàn ban công là yếu tố cần phải chú trọng vì nó liên quan đến sự bền vững của ban công, nếu như ban công thi công không đảm bảo kết cấu chịu lực sẽ vô cùng nguy hiểm cho người sử dụng vì độ cao của nó. Khi thi công cũng như thiết kế ban công phải cẩn trọng với cấu tạo sàn ban công để tránh những tai nạn bất ngờ xảy ra.