Dưới mặt đất vì sao có khí đốt?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Dưới mặt đất gần thị trấn Từ Cống tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc có một chất khí có thể cháy được. Từ hơn 2.000 năm trước người ta đã dùng ống tre dẫn khí này ra để nấu muối. Gần Thượng Hải dưới đất cũng có khí đốt, có những chỗ có thể dùng nó để nấu cơm. Dưới nhiều sông hồ, vùng duyên hải Trung Quốc đều có thể tìm thấy khí cháy được. Những khí này gọi là khí đốt thiên nhiên.

Vậy vì sao dưới đất lại có khí thiên nhiên cháy được?

Thành phần chủ yếu của khí thiên nhiên là mêtan. Nó do một nguyên tử cacbon hoá hợp với bốn nguyên tử hyđro hình thành, là một chất khí cháy được. Có nhiều khí đốt từ trước đây rất lâu bị vùi xuống ở những vùng trũng trong lịch sử hình thành Trái Đất. Ban đầu ở đó có rất nhiều sinh vật sinh sống, sau khi những sinh vật này chết đi, xác của chúng bị chìm sâu dưới nước, bùn cát không ngừng vùi lên, ép chúng lâu đời xuống dưới sâu.

Trong xác thực vật và động vật có một loại vi khuẩn gọi là vi khuẩn yếm khí. Hàng nghìn, hàng vạn năm nay, vi khuẩn yếm khí phân giải xác thực và động vật, chuyển chúng thành khí thiên nhiên. Về sau vỏ Trái Đất phát sinh biến động, vì lục địa dâng lên, nước biển rút đi, khí tập trung đến những chỗ có lợi cho tàng trữ. Như vậy hình thành những túi chứa khí thiên nhiên trong lòng Trái Đất. Quá trình hình thành nó giống với sự hình thành dầu mỏ, cho nên còn được gọi là khí dầu mỏ. Có lúc chúng hình thành độc lập dưới đất, có lúc nằm lẫn trong dầu mỏ.

Ngoài loại khí đốt này, trong lòng đất còn có một loại khí đốt khác gọi là khí đầm lầy. Sự sinh ra khí đầm lầy phần nhiều là do xác động, thực vật của những thời đại gần đây bị vi khuẩn yếm khí phân giải mà thành. Khí đầm lầy nằm tương đối nông, chứa ít mêtan, nên sức cháy của nó kém hơn khí thiên nhiên.

Những chất khí có thể cháy được trên đây chủ yếu là do tác dụng phân giải của vi khuẩn mà thành. Vậy có phải tất cả các khí cháy được dưới đất đều do tác dụng phân giải của vi khuẩn mà hình thành không?

Không phải thế. Còn có một ít khí thiên nhiên là do than đá cháy dưới đất sau khi biến chất mà hình thành, đó là loại khí thiên nhiên thuộc về axit cacbonic.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ