Hồng triều là thế nào?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Hồng triều (thuỷ triều đỏ) do các sinh vật phù du sống trong nước biển gặp được điều kiện môi trường thích hợp mà sinh sôi nảy nở nhanh chóng, hoặc tập trung thành từng đám lớn khiến cho màu sắc nước biển thay đổi.

Ở khu vực biển có hồng triều, nước biển thường có độ dính và mùi tanh. Đó là vì những sinh vật phù du tập trung nhiều hút hết oxi trong nước, hoặc làm tắc cơ quan hô hấp của các động vật trên biển, làm cho chúng chết ngạt. Vì các sinh vật phù du sinh sôi nảy nở dày đặc, cộng thêm xác chết của tôm cá làm giảm lượng oxi tan trong nước biển, khiến cho nước thiếu oxi nghiêm trọng, thậm chí hình thành độc tố làm cho các sinh vật không thể tồn tại được. Hồng triều còn có thể sản sinh ra chất độc, khi con người ăn phải những hải sản ngộ độc sẽ bị ngộ độc, thậm chí tử vong. Hồng triều không những làm cho động, thực vật biển bị chết mà còn gây tổn hại nghiêm trọng cho ngư nghiệp và ngành chăn nuôi của vùng duyên hải. Vì vậy hồng triều đã trở thành mối nguy hại nghiêm trọng mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt.

Năm 1989, vùng biển gần thị trấn Hoàng Hoa tỉnh Hà Bắc Trung Quốc phát sinh hồng triều trên một diện tích rộng, thời gian cao điểm kéo dài trên một tháng. Tôm cá, các loại ốc chết hàng loạt. Chỉ riêng ngư trường huyện Cẩn Đường đã thiệt hại đến 85 triệu đồng nhân dân tệ. Thị trấn Hoàng Hoa có 26.000 mẫu nuôi tôm bị thiệt hại, tổn thất 28 triệu đồng. Mùa xuân năm 1998 khu vực biển gần Hồng Kông phát sinh hồng triều trên diện tích rộng, thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 100 triệu đồng. Mấy năm nay ở Philippin hồng triều xuất hiện dồn dập. Hằng năm số người vì ăn phải hải sản ngộ độc mà mắc bệnh đau bụng, váng đầu, buồn nôn, tứ chi tê dại, không ít người bị chết. Chỉ tính tháng 6 – 7 năm 1996, số người ngộ độc ở vịnh Manila là 120 người, trong đó có bảy người bị chết.

Có hai nguyên nhân chủ yếu phát sinh hồng triều: một là vì các dòng sông và con người thải các loại ô nhiễm ra biển, khiến cho chất dinh dưỡng dọc bờ biển tăng lên quá mức, hai là nước thải của chăn nuôi làm cho khu vực ngư trường bị ô nhiễm. Ngoài ra nước biển còn chịu ảnh hưởng môi trường và điều kiện khí tượng tự nhiên, ví dụ dòng chảy nước biển gần bờ kém, nên sự trao đổi yếu, nhiệt độ cao, mưa ít… Cho nên sự phát sinh tai nạn hồng triều vừa có nguyên nhân điều kiện tự nhiên của biển, vừa có nhân tố ô nhiễm môi trường do con người gây nên. Do đó chúng ta phải tăng cường giám sát và quan trắc hồng triều, mở rộng công tác nghiên cứu và dự báo, nghiêm khắc khống chế tiêu chuẩn thải các chất ô nhiễm ra biển, đẩy mạnh kĩ thuật chăn nuôi khoa học, tăng cường quản lý khoa học đối với ngành chăn nuôi để giảm thấp thiệt hại do hồng triều sinh ra.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ