“Mùa đông miền Đông Nam Trung Quốc có gió tây bắc đến từ các vùng Xibêri của Nga và Mông Cổ. Ở những vùng đó mùa đông vô cùng lạnh giá. Theo tài liệu lịch sử khí tượng còn ghi lại, vùng Aomiakhan thuộc Xibêri mùa đông năm 1933 xuất hiện đợt lạnh -78°C. Vì sao vùng này lại lạnh đến thế?
Nguyên nhân chủ yếu là vì mặt đất vùng này mùa đông bị băng tuyết che phủ, ban ngày tiếp thu nhiệt lượng Mặt Trời ít, ban đêm nhiệt lượng khuếch tán vào không trung còn nhiều hơn cả nhiệt lượng ban ngày hấp thu được, thời gian kéo dài, nhiệt thu được ít, nhả ra nhiều, khiến cho không khí vùng đó trở nên giá buốt. Các nhà khí tượng gọi vùng này là khởi nguồn không khí lạnh.
Khi khí lạnh ở vùng nguồn đặc biệt lạnh, hàm lượng hơi nước trong không khí thấp, do đó một khi nhiệt độ không khí tăng cao thì vô cùng khô ráo. Lạnh làm cho mật độ không khí tăng lên. Mật độ lớn hình thành vùng khí áp cao, khuếch tán ra khắp bốn phương. Nếu luồng khí này tràn từ tây bắc xuống đông nam thì sẽ ảnh hưởng đến vùng Đông Nam Trung Quốc, đó chính là gió tây bắc vừa nói ở trên.
Khí thế luồng gió lạnh tây bắc rất mạnh, nó đẩy lùi luồng gió ẩm ướt vốn có từ đông nam thổi tới và bổ sung một lượng lớn không khí vừa giá buốt, vừa khô ráo. Như ta đã biết nguyên nhân chủ yếu hình thành mây mưa là hơi nước. Hơi nước trong không khí nhiều lên sẽ dễ thành mưa, hơi nước ít thì trời quang mây tạnh. Trong dân gian có câu ngạn ngữ: “gió lạnh tràn đến trời chuyển nắng, gió tây tràn đến có sương muối”, tức là về mùa đông khi gió tây bắc thổi liền mấy ngày thời tiết dễ trong sáng và đó là điềm dự báo khi chuyển sang gió tây, sáng sớm dễ có sương muối.”