Hoàng Hà được coi là cái nôi của nền văn minh Trung Quốc buổi bình minh. Nó đã từng nuôi dưỡng tổ tiên người Trung Quốc, nhưng về sau cũng đem lại nhiều tai hoạ cho nhân dân hai bên bờ.
Nguyên nhân chủ yếu làm cho sông Hoàng Hà trở thành tai hoạ là cát. Hoàng Hà là sông chở nhiều cát nhất trên thế giới. Nhân dân Hà Nam, Sơn Đông thường truyền miệng nhau câu nói “một bát nước Hoàng Hà có đến nửa bát cát”. Đó là miêu tả đúng nhất về cát của sông Hoàng Hà. Trạm thuỷ văn huyện Hoài Nam mấy năm gần đây thống kê: hằng năm lượng bùn cát sông Hoàng Hà chở xuống hạ lưu là 1,6 tỉ tấn, tức là nếu dùng xe tải bốn tấn mỗi ngày chở 1,1 triệu chuyến xe thì phải liên tục chở một năm mới hết được. Hằng năm lượng bùn cát sông Hoàng Hà tải nhiều như thế khiến cho lòng sông vùng hạ du ngày một nâng cao, cuối cùng mặt nước sông cao hơn cả mặt đất vùng chung quanh, trở thành dòng sông nổi trên mặt đất. Mỗi lần mùa mưa đến, nước sông dâng lên, nước lũ tràn ra phá vỡ đê, ngập chìm cả một vùng rộng lớn.
Vậy vì sao bùn cát sông Hoàng Hà lại nhiều như thế? Muốn trả lời câu hỏi này, ta phải xem bản đồ. Nguyên sông Hoàng Hà sau khi chảy qua tỉnh Thanh Hải thì đi vào cao nguyên Hoàng thổ. Đó chính là vùng đất đỏ cung cấp bùn cát cho dòng sông. Vì trên cao nguyên Hoàng thổ lớp đất đỏ rất dày, chất đất tươi xốp, có chỗ dày hơn 100 m, bề mặt không có thảm cây bảo vệ, nên đến mùa mưa dưới tác dụng của dòng nước quét, nhiều bùn cát trôi vào dòng sông. Cao nguyên Hoàng thổ là nguyên nhân chủ yếu gây nên bùn cát của sông Hoàng Hà. Trong lịch sử Trung Quốc vùng cao nguyên này trước kia đã từng là những cánh rừng rậm rạp, cây cỏ phì nhiêu, hồi đó bùn cát trong nước sông ít. Cách đây khoảng 1.000 năm những cánh rừng này đã bị phá hoại, gây cho đất cát bị cuốn trôi rất nhiều.
Tìm được nguyên nhân chủ yếu, đưa ra biện pháp tương ứng thì bùn cát sông Hoàng Hà sẽ giảm thấp, đó chính là biện pháp hiệu quả nhất. Ngày nay nhân dân vùng cao nguyên Hoàng thổ và hai bờ sông Hoàng Hà đang tích cực khắc phục trồng cây và thảm cỏ, nước sông Hoàng Hà nhất định sẽ có ngày xanh trong trở lại.