Phía nam tỉnh Vân Nam là vùng đất Lộ Nam với khu rừng đá tự nhiên vô cùng tuyệt mỹ. Các hòn đá với đủ hình thù kì quái, thiên biến vạn hóa, có núi hình cây sáo, búp măng, có núi lại hình thiếu nữ nghe nói là một thiếu nữ xinh đẹp dân tộc Di trong truyền thuyết… có núi nào giống núi nào?
Điều thú vị là, những cột đá đứng sừng sững, kín mít như rừng ấy lại có độ cao tương đối đồng đều. Thêm vào đó, chúng đều có những nét khắc hoa văn như thể được khoác trên mình chiếc áo chẽn hoa.
Thạch Lâm là điển hình khu địa chất hình thành và biến hóa qua hàng tỷ năm. Do kết cấu địa hình nơi này là miền núi đá vôi, sau nhiều lần mặt đất nâng lên hạ xuống, tạo ra hàng loạt các khe nứt ngang dọc. Sự hình thành của những khe nứt này chính là bản vẽ mẫu tự nhiên ban đầu của khu rừng đá Thạch Lâm. Hiện nay, tất cả vị trí của các núi đá đều đã được cố định theo “bản vẽ” ấy của tự nhiên.
Vậy ai đã sắp xếp khu rừng đá này theo bản vẽ đó? Chính là nước. Vẫn bảo cứng như đá, mềm mại như nước mà sao nước lại có sức mạnh ghê gớm ấy nhỉ? Chính bởi nước có thể luồn vào những khe nứt, dần dần ăn mòn hai bên cạnh đá vôi, tạo nên những nhũ đá hướng xuống mặt đất mỗi lúc một to hơn, dài hơn. Cứ như thế, trên mặt đất dần dần hình thành những cái “hố sụt” lõm xuống hay cái “răng đá” chồi lên, biến vùng đất vốn bằng phẳng thành một vùng rừng đá lởm chởm, đẹp tuyệt mỹ như Thạch Lâm.
Ngoài Thạch Lâm của Trung Quốc, trên thế giới còn rất nhiều khu vực nhiệt đới, có kết cấu địa hình đá vôi với những khe nứt và địa hình đặc trưng đặc biệt. Ở Việt Nam, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bảng cũng được hình thành do những kiến tạo địa chất xảy ra trong lòng dãy núi đá vôi cách đây cả trăm triệu năm. Và có lẽ, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bảng là một trong những mẫu hình riêng biệt và đẹp nhất về sự kiến tạo carxtơ phức tạp ở Đông Nam Á.