“Mùa hè oi bức, mồ hôi đầy mình. Bỗng nhiên nơi chân trời dựng lên những đụn mây đen cao sững sững, một chốc sau đó sấm nổ vang rền. Mọi người phấn khởi chờ đợi một trận mưa giông để xua tan cơn oi bức, nếu những ngày nắng hạn thì sự mong đợi cơn mưa càng bức xúc hơn, cho nên tiếng sấm đem lại niềm hy vọng giải tỏa cơn nắng hạn. Nhưng chờ rất lâu, đám mây mưa đã trôi qua đầu mà chỉ mưa mấy hạt. Đúng là “sấm to mưa nhỏ” khiến cho mọi người thất vọng. Những lão nông có kinh nghiệm thường nói: “Ông sấm hát trước, thì mưa chẳng là bao” có lúc chỉ nghe thấy tiếng sấm, một giọt mưa cũng không có, người ta gọi là “sấm suông”. Hiện tượng này ở những vùng miền núi thường hay gặp nhất.
Những đám mây mưa vờn quanh đỉnh núi sấm liên hồi nhưng ngày càng xa dần, thậm chí nhìn thấy cả màu trắng đục trên đám mây, ta có cảm giác mưa to đến nơi, nhưng thực ra không có gì cả. Nguyên nhân vì sao lại như thế?
“”Sấm to mưa nhỏ” và “sấm suông” là hiện tượng thường phát sinh vào mùa hè. Đó là do ánh nắng Mặt Trời chiếu dữ dội lên mặt đất làm không khí hình thành những dòng đối lưu cục bộ không đồng đều, phạm vi của nó không lớn, nhỏ thì không quá 10 km, lớn thì không quá 20 – 30 km.
Sấm chớp và mưa đều phát sinh trong đám mây, nhưng phạm vi ảnh hưởng của nó xa gần có khác nhau. Ở giữa đám mây lượng nước mưa nhiều nhất, nên thường có cơn mưa to còn ở biên đám mây lượng nước mưa ít, ra khỏi vùng biên đó là hết mưa. Còn phạm vi ảnh hưởng của tiếng sấm to hơn vùng mưa rất nhiều, có thể vượt xa khỏi phạm vi đám mây, truyền đến những vùng cách xa 50 – 70 km. Phạm vi ánh chớp lại càng xa nữa, xa nhất có thể vượt quá 100 km. Như vậy những vùng được trung tâm đám mây đi qua thì sấm to mà mưa cũng nhiều, vùng biên đám mây đi qua thì sấm to mưa ít, còn vùng không nằm trong phạm vi đám mây đi qua sẽ chỉ nghe thấy tiếng sấm nên gọi là sấm suông.
Qua đó có thể thấy sấm to mưa ít là vì bạn ở vào vị trí vùng biên của đám mây. Còn sấm suông thực tế không phải là suông, chẳng qua là vì vị trí của bạn không nằm trong vùng mưa của đám mây.
Đương nhiên trong bầu khí quyển có lúc ngẫu nhiên sinh ra hiện tượng “sấm suông”. Ví dụ trên bầu trời sân bay vùng Tây Bắc Trung Quốc đã từng phát sinh sự kiện trong những ngày mây trong ngàn dặm, trời trong xanh nhưng vẫn có một tiếng nổ làm chấn động cửa kính và nhức tai. Đó là do một chiếc máy bay khi bay trên không, vì bỗng chốc gia tốc rất nhanh, vượt qua ngưỡng âm thanh. Lúc đó các phân tử không khí không kịp giãn ra, bị ép thành một luồng dày đặc tạo nên một bức tường cản lại máy bay. Nếu tốc độ của máy bay bỗng chốc vượt qua tốc độ âm thanh thì sẽ phá vỡ bức tường đó. Khi bức tường bị phá vỡ sẽ phát ra tiếng nổ như tiếng sấm.”