Trên bản đồ thời tiết, những điểm có khí áp bằng nhau đều được nối liền thành một đường cong khép kín. Khí áp trong vùng đó đều cao hơn các vùng chung quanh, nên gọi là vùng khí áp cao (gọi tắt là vùng cao áp). Trong khu vực khí áp cao, ta luôn tìm được một vùng khí áp đặc biệt cao, vùng đó gọi là trung tâm cao áp. Chỉ số khí áp của nó có thể biểu thị cho độ cao của trung tâm cao áp. Ví dụ khi Đài phát thanh đưa tin: “Gần Tế Nam có một trung tâm cao áp 1035 mPa”, tức là nói ở vùng Tế Nam đang bị khí áp cao khống chế.
Cùng nguyên lý đó, những điểm có khí áp thấp bằng nhau đều được nối liền thành một đường cong khép kín. Khí áp trong vùng đó thấp hơn vùng bên ngoài, gọi là vùng khí áp thấp (gọi tắt là áp thấp). Trong khu vực khí áp thấp, chỉ số khí áp ở vùng thấp nhất gọi là trung tâm áp thấp. Chỉ số của nó tiêu biểu cho độ thấp của vùng áp thấp này.
Thời tiết của khí áp cao và khí áp thấp có gì khác nhau?
Như ta đã biết, nước chảy về chỗ trũng. Không khí cũng thế, nó luôn từ chỗ khí áp cao chảy sang chỗ khí áp thấp. Vì Trái Đất tự quay gây ra lực tiếp tuyến của không khí, đồng thời do mặt đất không bằng phẳng nên sự chuyển động của không khí cũng chịu sự ma sát. Khi không khí chuyển động cong sẽ sản sinh ra lực ly tâm, đồng thời dưới ảnh hưởng tổng hợp của các yếu tố như tốc độ chuyển động của không khí không ngừng thay đổi, nên những khu vực có khí áp cao ở Bắc bán cầu thường không khí chạy quanh trung tâm khí áp cao thuận theo chiều kim đồng hồ để khuếch tán ra bên ngoài.
Vì không khí trên mặt đất không ngừng khuếch tán ra bên ngoài nên trên cao sẽ có không khí từ bốn phương tràn đến bổ sung, như vậy sự chuyển động của không khí trên cao chỗ gần trung tâm áp cao sẽ chuyển động sang chỗ thấp. Không khí trong quá trình chảy xuống chỗ thấp, nhiệt độ dần dần sẽ tăng cao, hơi nước trong không khí sẽ bốc hơi, cho nên gần trung tâm áp cao nói chung là thời tiết trong sáng.
Ngược lại trong khu vực áp thấp, không khí chuyển động ngược chiều kim đồng hồ chung quanh trung tâm áp thấp. Vì không khí bốn chung quanh không ngừng chạy vào trung tâm áp thấp, khiến cho không khí ở trung tâm áp thấp bị hội tụ tăng lên. Không khí bay lên cao thì nhiệt độ giảm dần, hơi nước trong không khí sẽ dần dần ngưng kết lại thành mây và mưa, do đó trong khu vực khí áp thấp phần nhiều thời tiết u ám.
Cao áp hay thấp áp đều là so với chung quanh mà nói, vì vậy chỉ có tính tương đối, không phải là tuyệt đối. Mùa hè nói chung khí áp đều rất thấp. Ví dụ khí áp ở mức 1015 mPa có thể được xem là trung tâm cao áp. Đến mùa đông khí áp các vùng tương đối cao cho nên cũng khí áp 1015 mPa đó lại có thể trở thành trung tâm khí áp thấp.