“Những người sống ở miền biển đều có kinh nghiệm: ban ngày, đặc biệt là sau buổi trưa lúc nóng nhất thường có gió từ biển nổi lên, ban đêm hoặc sáng sớm là lúc mát nhất, gió lại từ đất liền thổi ra biển, gió bờ biển thường thay đổi chiều như thế.
Đó là vì biển và lục địa sau khi được ánh nắng Mặt Trời chiếu rọi, phản ứng của chúng khác nhau: ban ngày lục địa nhận được ánh nắng Mặt Trời, vì tỉ nhiệt thấp nên nhiệt độ tăng lên rất nhanh. Đêm đến nhiệt độ giảm thấp cũng rất nhanh. Còn biển khơi vì tỉ nhiệt lớn, ban ngày nhiệt độ nước biển không dễ tăng cao, đêm đến nước biển nhả dần nhiệt lượng ban ngày hấp thu được, cộng thêm nước biển còn có sự chuyển động giữa tầng trên và tầng dưới cũng như chạy theo chiều ngang, nên trao đổi nhiệt dễ dàng, do đó ban đêm nhiệt độ nước biển giảm xuống rất ít. Vì vậy ban ngày biển thường mát hơn lục địa, đêm đến lục địa lại mát hơn biển.
Ban ngày vì biển mát hơn lục địa nên áp suất không khí biển cao hơn, áp suất không khí lục địa thấp, cho nên gió thổi từ biển vào lục địa. Ban đêm vì lục địa mát hơn biển, cho nên áp suất không khí trên lục địa cao hơn, do đó hình thành gió lục địa thổi ra biển.
Nhưng không phải mùa nào vùng duyên hải cũng đều có gió biển và lục địa. Mùa đông ở duyên hải Trung Quốc, có lúc ban ngày ta vẫn không cảm thấy được gió từ biển thổi vào lục địa, đó là do nguyên nhân gì? Đó là vì vùng duyên hải Trung Quốc mùa đông gió từ lục địa thổi ra biển rất mạnh, nó áp đảo cả gió biển, cho nên mùa đông thường không có gió biển. Còn mùa hè gió biển và gió lục địa của vùng duyên hải bị hệ thống thời tiết (thể hiện sự biến đổi thời tiết và hệ thống phân bố đặc điểm vùng, cũng như đỉnh lạnh, đỉnh nóng, máng áp thấp, gió lốc,…) phá hoại làm cho ta không cảm thấy được.”