Vì sao mùa xuân và mùa thu ở phương Bắc Trung Quốc rất ngắn?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

“Các mùa trong năm được phân chia và có tên gọi khác nhau nhờ vào mức độ lạnh, ấm của khí hậu và sự thay đổi dài, ngắn của ngày và đêm. Chúng ta đều biết rằng khí hậu mùa xuân và mùa thu ấm áp, mùa hạ nóng bức và mùa đông lạnh giá. Nếu như chia một năm thành bốn mùa thì số ngày của các mùa dường như là bằng nhau, chỉ hơn kém một hai ngày thì cũng không tính là có mùa ngắn hay mùa dài. Nhưng bởi vì vị trí của các nơi trên Thế giới là khác nhau, có nơi ở phương Bắc, có nơi ở phương Nam; có nơi cách xa biển, có nơi lại gần biển; có nơi là đồng bằng, có nơi lại là núi cao; có nơi thường có loại gió phương này thổi, có nơi lại thường có loại gió phương khác thổi; có loại ta gọi là gió Đông Nam, có loại ta gọi là gió Đông Bắc,… Vì thế, trong cùng một khoảng thời gian nhưng khí hậu ở các nơi cũng có rất nhiều khác biệt. Ví dụ, vào tháng một ở Cáp Nhĩ Tân khắp nơi là tuyết trắng nhưng ở Quảng Châu ta vẫn có thể nhìn thấy những bông hoa đang khoe sắc thắm. Thông thường, ta dùng nhiệt độ cao, thấp để phân định mùa theo những đặc điểm khí hậu thực tế của từng vùng miền. Ở Trung Quốc, cách thông dụng nhất là lấy nhiệt độ trung bình của mỗi hậu (năm ngày là một hậu), nhiệt độ phân giới giữa lạnh và ấm là 10°C và nhiệt độ phân giới giữa ấm và nóng là 22°C. Dưới 10°C được quy định là mùa đông, từ 10°C đến 22°C được quy định là mùa xuân và mùa thu, từ 22°C trở lên sẽ được quy định là mùa hạ. Căn cứ theo tiêu chuẩn đó để phân định ra các mùa thì độ dài ngắn bốn mùa của các vùng miền sẽ không giống nhau.

Mùa xuân ở phương Bắc Trung Quốc khá ngắn, thường không đến hai tháng. Ví dụ mùa xuân ở một số nơi như Bắc Kinh bắt đầu từ 1-5 tháng 4 đến 21-25 tháng 5, ở Thẩm Dương là từ 21-25 tháng 4 đến 10-14 tháng 6, ở Cáp Nhĩ Tân là từ 26-30 tháng 4 đến 20-24 tháng 6. Có thể thấy thời tiết ở những vùng này, vừa dỡ đi lò sưởi của mùa đông là phải nhanh tay dựng lều hóng mát đón mùa hạ.

Việc xác định mùa là căn cứ theo nhiệt độ, như vậy việc tăng, giảm nhiệt độ nhanh hay chậm sẽ quyết định mùa dài hay ngắn. Ở phương Bắc Trung Quốc vào mùa đông, bức xạ Mặt Trời rất yếu, thời gian chiếu sáng lại ngắn, hơn nữa lại thường có luồng không khí lạnh từ phương Bắc tràn về, nhiệt độ rất thấp. Sau khi khoảng thời gian lạnh nhất vào tháng 1 qua đi, một mặt do bức xạ Mặt Trời dần mạnh hơn, mặt khác do lượng không khí lạnh không ngừng suy yếu nên nhiệt độ dần tăng lên, thời tiết cũng dần trở nên ấm áp hơn, nhưng lượng mưa thời gian này rất ít khiến cho không khí khô hanh. Đến hết tháng 3, do bức xạ Mặt Trời tiếp tục mạnh hơn và không khí lạnh tiếp tục suy yếu khiến cho nhiệt độ trên mặt đất nhanh chóng tăng cao. Do đó các vùng ở phương Bắc thông thường là từ tháng 3 đến tháng 4, biên độ nhiệt độ tăng lên cao nhất, nhiệt độ trong tháng 4 tăng lên rõ rệt so với tháng 3. Ví dụ, nhiệt độ trung bình ở Bắc Kinh vào tháng 3 là 4,4°C, lúc này thời tiết còn khá lạnh, đến tháng 4 nhiệt độ trung bình là 13,2°C, lúc này trời đã sang Xuân, thời tiết ấm áp, dễ chịu.

Trong khoảng thời gian mùa xuân, lượng nước mưa vẫn chưa nhiều, ngoại trừ những ngày trời nổi gió thì phần lớn vẫn là những ngày nắng với không khí khô hanh, bức xạ Mặt Trời liên tục mạnh lên, nhiệt lượng được hấp thụ trên mặt đất tự tăng lên nhanh chóng, nhiệt độ không khí cũng theo đó tăng lên mạnh mẽ. Trải qua không đến 2 tháng mùa xuân là đã bắt đầu vào mùa hạ. Ví dụ nhiệt độ trung bình trong tháng 5 ở Bắc Kinh đạt tới 20,2°C, đến tháng 6 liền tăng cao đến 24,2°C. Cho nên mùa xuân ở Bắc Kinh thường khá ngắn.

Tương tự như vậy, sau khoảng thời gian nóng nhất vào tháng 7 qua đi, bức xạ Mặt Trời lại yếu dần, luồng không khí lạnh không ngừng mạnh lên, do đó nhiệt độ lại từng bước giảm thấp, biên độ giảm xuống thấp nhất là từ tháng 10 đến tháng 11. Ví dụ nhiệt độ trung bình vào tháng 10 ở Bắc Kinh là 12,5°C đến tháng 11 giảm xuống còn 4,0°C, lúc này đã vào Đông lạnh giá.

Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu khiến cho mùa thu và mùa xuân ở phương Bắc Trung Quốc rất ngắn là bởi vì vĩ độ ở đây khá cao, mùa đông tới sớm và qua đi muộn. Vì vậy, mùa đông ở các khu vực vĩ độ phía bắc Bán cầu dài hơn các khu vực vĩ độ phía nam Bán cầu.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ