Ngày nay đáp máy bay bay trên trời đối với mỗi người mà nói không còn là mơ ước nữa. Nhưng so với bay lên trời thì xuống sâu dưới biển không phải là việc dễ dàng, tuy ngày nay có nhiều người bơi lặn giỏi, học được kĩ thuật lặn sâu xuống biển. Vì sao lại thế? Đó là vì điều kiện sinh lý hạn chế. Nói chung muốn lặn sâu hơn 10 -15 m thì thời gian nhiều nhất không thể vượt quá hai phút. Nếu muốn lặn sâu hơn nữa chỉ có những người cá biệt được huấn luyện đặc biệt mới có thể làm được. Theo ghi chép, đến nay người sáng tạo kỷ lục lặn sâu trên thế giới là Maiyuli người Pháp. Anh ta không cần thiết bị lặn, có thể lặn sâu 100 m, thời gian 3 phút 40 giây (đi xuống 105 giây nổi lên 115 giây).
Ở độ sâu 100 m, đối với biển mà nói là chưa đáng kể gì. Nhưng con người muốn lặn sâu hơn thì phải dựa vào thiết bị lặn và thiết bị cung cấp khí thở cần thiết. Mặc dù như thế không phải người nào cũng làm được mà chỉ có những thợ lặn được huấn luyện đặc biệt, bởi vì khi lặn sâu xuống con người phải đối mặt với những thử thách nghiêm trọng của bệnh lặn sâu. Mọi người đều biết, cứ sâu 10 m thì áp suất nước tăng thêm 1 at. Người lặn sâu 100 m phải chịu đựng áp suất tương đương 10 at. Để cơ thể có thể chống lại áp suất lớn bên ngoài, con người phải thở khí áp suất cao tương đương với áp suất của nước, nếu không phổi sẽ bị nén bẹp không thể thở được. Thợ lặn sau khi thở khí áp cao, khi nổi lên sẽ không tránh khỏi đau do khí áp giảm xuống gây ra. Lúc đó cơ thể sẽ cảm thấy khớp khuỷu tay, khớp vai, đầu gối đau như bị rút gân, không chịu nổi, nghiêm trọng hơn là chân không thể đi, thậm chí đau lăn lộn, đồng thời còn xuất hiện bệnh ngứa. Các chứng đó gọi là bệnh giảm áp. Nó liên quan với thợ lặn nổi lên nhanh, áp suất trong nước giảm yếu làm cho khí nitơ trong cơ thể khi chịu đựng áp suất cao nhanh chóng biến thành các bọt khí, gây cho máu trong các tổ chức, đặc biệt là trong các khớp xương lưu chuyển gặp trở ngại. Nghiêm trọng hơn là nếu các bọt khí nitơ tích luỹ vào trong những cơ quan quan trọng như hệ trung khu thần kinh, hệ hô hấp và hệ tuần hoàn sẽ dẫn đến bại liệt, làm mất cảm giác, công năng hô hấp suy kiệt, nhịp tim nhanh, lực tim yếu, mạch máu não bị trở ngại sinh lý, cuối cùng dẫn đến tử vong.
Điều đáng sợ hơn là dưới áp suất cao của nước sẽ dẫn đến ngất do nitơ. Khi thợ lặn thở khí áp suất cao thì nitơ trong không khí dưới tác dụng của áp suất cao sẽ thấm vào hệ thần kinh, làm cho cơ thể ngộ độc biểu hiện thành tính tình cáu gắt, tiếp đó là chóng đầu hoa mắt, thậm chí hoàn toàn mất hết tri giác. Có thể bạn sẽ nói, nếu vậy hãy cho thợ lặn thở không khí không chứa nitơ mà thay vào đó là toàn oxi thì có thể sẽ tránh được ngất? Không phải thế. Thí nghiệm chứng tỏ thở toàn oxi thì thợ lặn không thể vượt quá độ sâu 20 m, nếu không sẽ bị ngộ độc oxi. Đương nhiên khó khăn không thể khuất phục được con người. Với sự tìm tòi không ngừng của các nhà khoa học, ngày nay người ta đã tìm ra không khí nhân tạo gồm hỗn hợp khí hêli, nitơ, và oxy. Thợ lặn được thở khí này có thể lặn sâu hơn. Độ lặn sâu nhất ngày nay có thể tạo ra được là 685,8 m.
Đương nhiên kỷ lục này chưa phải là giới hạn cuối cùng con người có thể lặn được. Nhưng áp suất của nước là vô tình, nếu không có những khoang tàu bảo hộ kiên cố thì con người rõ ràng không thể lặn sâu vô giới hạn được. Vì vậy mà nói “lên trời dễ, xuống biển sâu khó” là vì thế.