Nói núi Hymalaya xa xưa vốn từ biển mọc lên xem ra rất đáng nghi ngờ. Dãy núi được mệnh danh là mái nhà uy nghi của thế giới, đỉnh núi chất đầy băng tuyết này làm sao lại có thể mọc lên từ biển được?
Đúng là như thế. Khi ta trèo lên vách đá dựng đứng của núi Hymalaya hoặc ở trong thung lũng sâu của nó, quan sát kỹ tầng đá ở đó sẽ tìm thấy nhiều hoá thạch của động, thực vật biển, bao gồm trùng ba lá, bút thạch, ốc anh vũ, san hô, hải đởm, hải bách hợp, hải tảo, ngư long v.v.. Điều đó chứng tỏ ở đây đã từng là biển.
Vậy trong biển cả mênh mông vì sao lại có thể mọc lên mạch núi hùng vĩ nhất thế giới này. Đó là kết quả của vỏ Trái Đất dâng lên. Trên đỉnh Xixapangma cao hơn mặt biển 5.700 – 5.900 m người ta phát hiện thấy hoá thạch của những thảm rêu. Những thực vật này bây giờ vẫn còn mọc trên một phạm vi lớn ở độ cao 2.200 – 3.000 m so với mặt biển ở khu vực Tây Nam Trung Quốc. Tuy tình trạng khí hậu hàng triệu năm trước hoàn toàn khác với ngày nay và khác với môi trường sinh trưởng của những thực vật này, nhưng có thể dự đoán đại thể rằng: hàng triệu năm trước vùng này đã nổi lên khoảng 3.000 m, bình quân một vạn năm dâng cao 30 m. Theo những tài liệu tương tự để suy đoán thì vùng miền Nam huyện Định Nhật, Tây Tạng, Trung Quốc 20 vạn năm nay đã dâng cao khoảng 500 m. Qua đó có thể thấy vỏ Trái Đất ở vùng này đã dâng cao biết bao nhiêu. Dãy núi Hymalaya từ trong biển dựng lên thành “nóc nhà thế giới” ngày nay vẫn đang tiếp tục dâng lên, chẳng qua tốc độ rất chậm nên ta khó cảm giác được mà thôi.