Vì sao nói “sau một trận mưa xuân trời ấm lên, sau trận mưa thu trời càng thêm lạnh”?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

“Đối với khu vực Giang Nam mà nói, thời tiết mùa xuân nói chung phát triển theo xu thế “sau một trận mưa xuân trời ấm thêm lên”. Mưa xuân là do không khí ấm và ẩm ướt ở phương Nam đang mạnh dần lên, đồng thời tràn dần về phương Bắc gây nên. Vào mùa xuân vì Bắc bán cầu được Mặt Trời chiếu sáng ngày càng mạnh, luồng không khí ấm trên biển Thái Bình Dương vươn dần lên phía tây và phía bắc. Khi đó chúng trượt lên luồng không khí lạnh ở phương Bắc và gây ra mưa. Trong quá trình trượt lên thì đồng thời chúng cũng đẩy không khí lạnh trở về phương Bắc. Kết quả của sự đẩy lùi đó thường làm cho không khí ấm trùm lên vùng đất không khí lạnh xâm chiếm trước đây. Vì vậy trước khi luồng không khí ấm tràn lên, những vùng này thường có một cơn mưa xuân. Do đó cảm giác “một trận mưa xuân lại ấm dần lên” là do duyên cớ đó.

Những vùng sau khi trải qua cơn mưa, không khí ấm thường chiếm chỗ, thời tiết ấm dần, nếu sau đó không khí lạnh tràn xuống phương Nam thì cơn mưa lại được dập tắt. Khi không khí lạnh tràn qua, vùng đó sẽ bị luồng không khí lạnh xâm chiếm, tạm thời xuất hiện thời tiết một vài ngày khá lạnh. Nhưng qua mấy ngày sau, luồng không khí lạnh này hấp thu nhiệt lượng của mặt đất và ánh nắng Mặt Trời bức xạ, đồng thời chịu ảnh hưởng sự ấm áp của mặt đất phương Nam nên nhiệt độ không khí tăng dần lên. Như vậy từ lạnh chuyển dần sang ấm (trong khí tượng học gọi đó là sư biến đổi tính chất của khí đoàn). Vì vậy mọi người thường cảm thấy mùa xuân sau cơn mưa chỉ cần hửng nắng là không khí ấm tràn đầy.

Mùa đông qua, mùa xuân đến, mùa xuân qua mùa hạ đến. Nửa năm đầu thời tiết luôn phát triển theo hướng nóng dần. “Sau trận mưa xuân trời ấm dần lên” chính là cách nói về xu thế chung của thời tiết.

Mùa hè kết thúc, bước sang mùa thu, khí hậu thay đổi rất rõ rệt. Lúc đó trời cao mây nhạt, gió thổi mát mẻ, không còn nóng bức như mùa hè nữa.

Mùa thu từng luồng không khí lạnh từ Xibêri và Mông Cổ tràn xuống phía nam. Sau khi gặp phải luồng không khí nóng và ẩm ướt ở phương Nam đang giảm dần sẽ hình thành những cơn mưa. Từng đợt gió mùa đông bắc tràn về phương Nam thường gây nên những đợt mưa giông và khiến cho nhiệt độ vùng đó thấp dần xuống. Ngoài ra ánh nắng Mặt Trời về mùa này dần dần chuyển về phương Nam, nắng và nhiệt độ ở bán cầu phương Bắc ngày một giảm, điều đó cũng có lợi cho những luồng không khí lạnh tràn xuống phương Nam mạnh hơn. Sau mấy lần gió mùa đông bắc thì nhiệt độ các vùng phương Nam dần dần giảm xuống, do đó ngạn ngữ có câu: “”Cứ mỗi trận mưa thu là một lần lạnh thêm, sau mười trận mưa thu đã phải mặc áo bông”. Cách nói đó miêu tả sát với xu thế biến đổi của thời tiết từ mùa hạ quá độ sang mùa đông.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ