Cây trồng trong một năm trải qua các giai đoạn: mọc mầm, ra lá, nở hoa, kết quả, rụng lá. Năm này qua năm khác thường không thay đổi. Đó là hiện tượng quan hệ giữa cây trồng và khí hậu. Ta dễ dàng phát hiện thời gian hằng năm của các giai đoạn mọc mầm, mọc lá, nở hoa, kết quả, rụng lá thường không giống nhau, tức là có năm sớm, năm muộn. Vì sao lại có hiện tượng như thế? Đó chủ yếu là vì tình hình thời tiết các năm khác nhau gây nên. Điều đó chứng tỏ thời tiết muộn hay sớm có thể phản ánh vào mối quan hệ giữa cây trồng và khí hậu.
Trung Quốc là nước nghiên cứu vấn đề này rất sớm. Chương mở đầu của sách “Nông thư” đời Tây Hán có nói: “Gốc của canh tác là ở thời vụ”. Tức là nói muốn được mùa thì then chốt là phải nắm chắc các thời gian thích hợp để gieo giống, chăm bón và thu hoạch. Đàm Tư Tứ thời Bắc Ngụy trong cuốn sách “Tế dân yếu thuật” khi bàn đến trồng lúa có nói: đối với lúa, thượng tuần tháng hai, khi lá cây dương nảy mầm ra hoa gieo giống là tốt nhất, thượng tuần tháng ba đến tết Thanh minh hoa đào thường nở là thời lệnh tốt vừa, thượng tuần tháng tư, lúc cây táo ra lá, cây dâu rụng hoa là thời lệnh chậm nhất. Điều đó chứng tỏ: thuận theo thời tiết, tính đến địa lợi có thể ít dùng sức mà vẫn thu hoạch được nhiều, nhược lại nếu không thuận theo thời tiết, chỉ dựa vào ý muốn chủ quan để canh tác thì sẽ tốn nhiều sức mà thu hoạch vẫn ít. Thực tế đúng là như vậy. Ví dụ năm 1962 khí hậu vùng Hoa Bắc tương đối lạnh. Đào, mận rừng, tử đinh hương lần lượt nở hoa chậm hơn 10 ngày so với năm 1961, chậm hơn 5 – 6 ngày so với năm 1960, nhưng nông dân ngoại ô Bắc Kinh lại không gieo trồng theo sự chậm trễ này mà vẫn gieo giống, chăm bón theo thói quen năm trước dẫn đến nông nghiệp mất mùa. Đó là vì không nghiên cứu thời vụ, không nắm chắc thời tiết.
Nửa cuối thế kỷ XIX người Mỹ mới bắt đầu quan sát quan hệ giữa cây trồng và thời tiết. Họ lợi dụng các tài liệu ghi chép về quan hệ cây trồng và thời tiết nên đã thu được những thành công trong việc thuần hoá một số giống. Ví dụ Bộ Nông nghiệp Mỹ trước khi nhập giống cam, quýt, cây du đồng và đậu đũa Trung Quốc đã cử người sang Trung Quốc làm việc ở các Trường đại học Nông nghiệp, thu thập tư liệu của các tỉnh và các huyện có liên quan với các loại cây trên đối với thời tiết, cũng như nghiên cứu sự thích hợp của các loại cây đó đối với điều kiện khí hậu như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, v.v.. Cuối cùng khi quyết định trồng cam và quýt ở bang California, di thực cây du đồng đến bang Floriđa, di thực đậu đũa đến miền Trung và Tây nước Mỹ, họ đã thu được thành công.
Đầu thế kỷ XX, tiểu mạch ở Mỹ bị bệnh rầy rất nghiêm trọng. Các nhà nông học Mỹ đã căn cứ những ghi chép về mối quan hệ giữa cây trồng và thời tiết, nên đã gieo giống sớm, chờ đến khi loài bướm gây bệnh xuất hiện thì đã thu hoạch xong. Qua đó thấy rõ nghiên cứu và ứng dụng mối quan hệ giữa cây trồng và thời tiết quan trọng biết nhường nào đối với sản xuất nông nghiệp. Không trách có người đã nói: đó là môn khoa học giúp nông nghiệp được mùa.